Dữ liệu thông tin về DNNN là nguồn lực quan trọng nhất quyết định hiệu quả giám sát. Ảnh: Lê Tiên |
Đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong hướng đi nhằm tăng hiệu quả hoạt động của khối DN này.
Nhiều hạn chế trong giám sát
Đề cập về thực trạng giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu (CQĐDCSH) nhà nước tại DN thời gian qua, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, lâu nay, giám sát với tư cách chủ sở hữu chưa thành một hệ thống. Một bộ thông thường thực hiện nhiều chức năng (vừa quản lý nhà nước, vừa ra chính sách, vừa làm đại diện chủ sở hữu…) nên trong xử lý một vụ việc cụ thể không phân biệt được mình ở tư cách gì để xử lý.
Tại Hội thảo Đổi mới cơ chế giám sát của CQĐDCSH trong tiến trình cơ cấu lại DNNN, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN thuộc CIEM chỉ ra, thực trạng hoạt động của DNNN thời gian qua không quá tồi, nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh từ năm 2011 đến nay đều giảm. Giai đoạn 2011 - 2016, tỷ suất lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu giảm 39%, tỷ số lợi nhuận ròng/tài sản giảm 30%. Đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng đến nay chưa thu hồi được, và giá trị thực tế của nhiều dự án đầu tư ở mức dưới giá trị đầu tư… Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của CQĐDCSH, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN.
Đối với nguyên nhân từ hệ thống pháp luật, ông Trung nhấn mạnh, thực tế đã có nhiều quy định về thẩm quyền, chủ thể và đối tượng giám sát. Dù vậy vẫn thiếu thống nhất về nội hàm, khái niệm, phạm vi hoạt động giám sát của chủ sở hữu. Nội dung giám sát bị chia cắt theo lĩnh vực tham gia phối hợp của các cơ quan liên quan… dẫn đến không bảo đảm tính thường xuyên,
liên tục.
Về nguyên nhân từ triển khai thực hiện, theo ông Trung, thông tin là nguồn lực quan trọng nhất trong quản lý, là yếu tố quyết định hiệu quả giám sát, song chúng ta đang thiếu thông tin đầy đủ về vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại DN trong toàn bộ nền kinh tế.
Đặc biệt, cách thức đánh giá hoạt động của DNNN vẫn theo “lối mòn” là đầu kỳ phê duyệt các chỉ tiêu kế hoạch do DN xây dựng; cuối kỳ đánh giá, xếp loại dựa trên cơ sở báo cáo tự đánh giá và xếp loại của DN. “Đây không phải cách thức đánh giá của một nhà đầu tư”, ông Trung nhấn mạnh và cho biết, chưa có cơ chế để tổ chức chuyên nghiệp tham gia đánh giá, xếp loại DN. Ông Cung cũng cho rằng, cách thức hoạt động của CQĐDCSH có lúc như nhà đầu tư nên phải áp dụng những quy tắc, cách thức khác để bổ nhiệm, giao nhiệm vụ…, chứ không phải theo cách quản lý hành chính như hiện nay.
Đổi mới theo hướng nào?
CIEM đã đề xuất 4 nhóm giải pháp để đổi mới cơ chế giám sát của CQĐDCSH. Đầu tiên là xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin để vận hành chức năng đại diện chủ sở hữu. Dữ liệu thông tin phải trở thành nguồn lực quan trọng nhất để quản trị DNNN, giúp cho quyết định của Uỷ ban và các cơ quan chủ sở hữu đúng đắn, chất lượng hơn.
Thứ hai là áp dụng cách thức và công cụ giám sát theo thông lệ tốt về quản trị DNNN, qua đó giao nhiệm vụ cho DN cũng như thực hiện theo dõi, kiểm tra, đánh giá DNNN. Đặc biệt, công cụ giám sát sẽ tăng cường quản trị rủi ro trong giám sát với việc đầu tư vận hành hệ thống thông tin cảnh báo rủi ro sử dụng các bộ chỉ số, thang đánh giá rủi ro, bản đồ rủi ro.
Ba là, tập trung quyền sở hữu gắn với tập trung trách nhiệm.
Bốn là, cơ chế giám sát của Ủy ban và CQĐDCSH gắn với công khai, minh bạch.
Để chuẩn bị cho hướng đi trên, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cơ quan chức năng đang chuẩn bị đưa vào thử nghiệm Hệ thống quản lý trực tuyến của Ủy ban để vận hành chức năng đại diện chủ sở hữu. Thông tin trên Hệ thống được cập nhật thường xuyên, lưu trữ quá trình 3 - 5 năm thể hiện xu hướng vận hành của DN, dựa vào đó phản ánh sâu hơn hoạt động của DN cũng như cảnh báo thông qua các chỉ số khác nhau. Các chỉ số này trung thực, khách quan thông qua đánh giá của hệ thống phần mềm. Hệ thống này tương thích, liên kết với hệ thống Chính phủ điện tử nhằm theo dõi, giám sát hoạt động và kết nối trực tiếp với DN.