Sử dụng hàng Việt trong đấu thầu: Năng lực cung ứng còn yếu

(BĐT) - Việc sử dụng vật tư, hàng hóa trong nước trong công tác đấu thầu mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 494/CT-TTg, tuy nhiên, nhìn chung vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Một phần là do sự yếu kém về năng lực cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp trong nước.
Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các lĩnh vực công nghiệp và tự động hóa phát triển. Ảnh: Tiên Giang
Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các lĩnh vực công nghiệp và tự động hóa phát triển. Ảnh: Tiên Giang

Đây là nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về kết quả thực hiện sau 5 năm (2010 - 2015) triển khai Chỉ thị số 494/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước.

Hàng ngoại vẫn nhiều vì hàng Việt kém cạnh tranh

Bộ KH&ĐT cho biết, tỷ lệ phần trăm giữa vật tư, hàng hóa nhập khẩu được sử dụng trong lĩnh vực mua sắm hàng hóa so với tổng giá hợp đồng của các gói thầu tổ chức đấu thầu quốc tế là rất cao, chiếm 87,62% tổng giá trị (giá trị vật tư, hàng hóa trong nước được sử dụng chỉ là 9,45%). Theo đa số chủ đầu tư, việc lựa chọn tổ chức đấu thầu quốc tế là do hàng hóa, vật tư, thiết bị trong nước không đáp ứng được yêu cầu của gói thầu hoặc trong nước chưa đủ khả năng sản xuất.

Theo báo cáo của nhiều bộ, ngành và địa phương, hiện vẫn còn nhiều hàng hóa, vật tư doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được, đặc biệt là những thiết bị đặc thù, các sản phẩm có yêu cầu cao về kỹ thuật trong ngành điện, dầu khí, hóa chất, thuốc lá… Do đó, việc mua sắm các thiết bị nhập khẩu chất lượng tại một số đơn vị vẫn còn tồn tại vì chưa có sản phẩm thay thế (ví dụ như tại các đơn vị thành viên Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông...).

Còn trong ngành chế biến, chế tạo, đặc biệt là cơ khí, Bộ Công Thương cho rằng, trong một thời gian dài, ngành này chưa bắt kịp được với trình độ công nghệ của các dự án lớn, vì vậy, nhiều sản phẩm, hàng hóa trong nước chưa đảm bảo chất lượng, tính đồng bộ, tính ổn định, tính năng cũng như đặc tính kỹ thuật không vượt trội so với sản phẩm nhập khẩu. Thiết bị, phụ tùng sản xuất trong nước còn hạn chế về chủng loại, chất lượng, trong khi thiết bị, phụ tùng phục vụ cho sửa chữa các tổ máy tuabin khí, tuabin hơi thường đòi hỏi có chất lượng cao về kỹ thuật chế tạo và tuổi thọ. Một số phụ tùng thay thế cho các thiết bị phức tạp nhập khẩu đòi hỏi phải được nhập khẩu để đảm bảo tính đồng bộ và ổn định của hệ thống. Đó là chưa kể một số sản phẩm còn bị lỗi thiết kế và chế tạo dẫn đến khi lắp đặt, vận hành phải chỉnh sửa, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Các chi tiết có yêu cầu lắp ghép tại hiện trường hay bị tình trạng không ăn khớp dẫn đến ngừng, trễ khi đang lắp đặt.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, một số loại hàng hóa, vật tư mặc dù doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được, nhưng vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu của chủ đầu tư (chất lượng chưa cao, tuổi thọ thấp....), nên một số chủ đầu tư trên địa bàn Thành phố vẫn phải nhập khẩu trực tiếp, hoặc phải mua các sản phẩm cùng loại khác thông qua các đại lý và kênh phân phối ở Việt Nam. Lấy ví dụ tại TP.HCM, trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các chủ đầu tư chỉ sử dụng được một số hàng hóa sản xuất trong nước như: foam chữa cháy thông thường, quần áo chữa cháy… Tuy nhiên, các mặt hàng này chưa đem lại hiệu quả chữa cháy cao, khả năng tiếp cận đám cháy thấp, không đảm bảo sức khỏe trong điều kiện chữa cháy có hóa chất, khí độc.

Về mặt giá cả, thực tế cũng cho thấy, một số máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước có chất lượng và giá bán cao, chưa cạnh tranh được với các máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu cùng loại được nhập khẩu (đặc biệt là nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan…); chi phí sửa chữa, bảo trì, thay thế trong quá trình vận hành sử dụng cao. Chính sách hậu mãi chăm sóc khách hàng cũng chưa được các nhà sản xuất trong nước quan tâm đầy đủ.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước chỉ làm được những bộ phận gia công cơ khí đơn giản, còn lại phải nhập khẩu về lắp ráp trong nước. Những loại máy móc này tuy có giá thành cạnh tranh, nhưng tính đồng bộ không cao, nên khó đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư. Các doanh nghiệp trong nước thường không có đủ hồ sơ chứng nhận về vận hành thành công, không có chứng nhận thử nghiệm theo tiêu chuẩn quốc tế do các tổ chức có uy tín độc lập cấp và chứng nhận. Do không có những “giấy thông hành” này, nên doanh nghiệp trong nước khó đáp ứng được điều kiện của chủ đầu tư khi phải tham gia đấu thầu quốc tế.

Doanh nghiệp cần chủ động cải tiến chất lượng sản phẩm

Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tăng cường tổ chức các cuộc triển lãm về cải tiến chất lượng, giảm giá thành sản phẩm để các doanh nghiệp học tập kinh nghiệm lẫn nhau; tổ chức các khóa tập huấn về quản lý chất lượng, trao đổi công nghệ mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Về phía các đơn vị sản xuất trong nước, Bộ KH&ĐT cho rằng, cần chủ động không ngừng nâng cao và cải tiến chất lượng sản phẩm đa dạng mẫu mã, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, giá cả cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu của các chủ đầu tư, bên mời thầu; tăng cường đội ngũ nhân lực trình độ cao, đầu tư trang thiết bị công nghệ và cải tiến quản lý. Đồng thời, phải đẩy mạnh việc giới thiệu rộng rãi sản phẩm, hàng hóa do mình sản xuất trên các phương tiện thông tin và các phương thức khác để các đơn vị có nhu cầu biết, sử dụng.

Tuy nhiên, để thúc đẩy doanh nghiệp và hàng hóa trong nước phát triển, Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các lĩnh vực công nghiệp và tự động hóa phát triển (trong đó đặc biệt chú ý đến công nghiệp công nghệ cao) nhằm đổi mới phương thức sản xuất, tạo đà cho ngành sản xuất trong nước phát triển. Trước mắt là cần ban hành các chính sách ưu tiên cụ thể để khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp công nghệ cao.

Chuyên đề