Chỉ thị số 494/CT-TTg: Thêm cơ hội cho hàng Việt

(BĐT) - Trong tổng số vốn nhà nước sử dụng thông qua đấu thầu thì tổng giá trị hợp đồng của các gói thầu tổ chức đấu thầu quốc tế chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (14,41%).
Từ năm 2010 đến tháng 6/2015, nhà thầu trong nước tham gia tất cả các gói thầu xây lắp tổ chức đấu thầu quốc tế, trong đó khoảng 20 gói thầu với tư cách là thầu phụ. Ảnh: Lê Tiên
Từ năm 2010 đến tháng 6/2015, nhà thầu trong nước tham gia tất cả các gói thầu xây lắp tổ chức đấu thầu quốc tế, trong đó khoảng 20 gói thầu với tư cách là thầu phụ. Ảnh: Lê Tiên

Điều này phần nào thể hiện Chỉ thị số 494/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước (Chỉ thị 494) đã được quán triệt sâu rộng đến các bộ, ngành, địa phương, tổng công ty.

Sử dụng nhiều hàng hóa nhập khẩu

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Chỉ thị 494 trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6/2015. Báo cáo của Bộ KH&ĐT được xây dựng trên cơ sở tổng hợp, phân tích từ 107 báo cáo của các bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh, thành phố; tập đoàn, tổng công ty 91; các cơ quan thuộc Chính phủ và một số cơ quan Trung ương khác.

Theo đó, trong tổng số vốn nhà nước sử dụng thông qua đấu thầu từ 2010 - 2014 trên cả nước là 2.450.402.460 triệu đồng thì tổng giá trị hợp đồng của các gói thầu tổ chức đấu thầu quốc tế chiếm 14,41% (tương đương 353.078.629,29 triệu đồng). Như vậy, có thể thấy số lượng gói thầu tổ chức đấu thầu quốc tế chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng số gói thầu sử dụng vốn nhà nước.

Bộ KH&ĐT cho biết, trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6/2015, tổng số gói thầu tổ chức đấu thầu quốc tế đối với cả 3 lĩnh vực: mua sắm hàng hóa, xây lắp và EPC/hỗn hợp là 124.236 gói thầu, trong đó lĩnh vực mua sắm hàng hóa chiếm số lượng lớn nhất là 123.944 gói thầu, tương đương 99,76%.

Trong tổng số 124.236 gói thầu tổ chức đấu thầu quốc tế, nhà thầu trong nước chỉ thực hiện 998 gói thầu (với tư cách độc lập, thành viên liên danh hoặc thầu phụ), chiếm tỷ lệ 0,8%, từ đó có thể cho thấy tỷ lệ nhà thầu trong nước tham gia thực hiện các gói thầu tổ chức đấu thầu quốc tế là không đáng kể. Điều này có một phần nguyên nhân là do các gói thầu mua sắm hàng hóa được tổ chức đấu thầu quốc tế khi hàng hóa, vật tư, thiết bị trong nước không đáp ứng được yêu cầu của gói thầu hoặc trong nước chưa đủ khả năng sản xuất nên nhà thầu trúng thầu và thực hiện hợp đồng lại không phải là nhà thầu trong nước. 

Nhà thầu trong nước tham gia vào tất cả các gói thầu xây lắp

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, trong tổng số 181 gói thầu xây lắp tổ chức đấu thầu quốc tế thì tất cả các gói thầu đều có sự tham gia của nhà thầu trong nước với tư cách độc lập, thành viên liên danh hoặc thầu phụ, trong đó chỉ có khoảng 20 gói thầu xây lắp mà nhà thầu trong nước tham gia với tư cách là nhà thầu phụ. Tương tự, đối với lĩnh vực EPC/hỗn hợp, tuy các gói thầu này đòi hỏi tính chất kỹ thuật cao, phức tạp cũng như sự đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện nhưng hầu hết các nhà thầu nước ngoài trúng thầu đều liên danh hoặc sử dụng thầu phụ Việt Nam (chủ yếu đảm nhận phần xây lắp). Điều này có thể thấy, số lượng gói thầu xây lắp và EPC tổ chức đấu thầu quốc tế mà nhà thầu trong nước trúng thầu với tư cách nhà thầu độc lập, nhà thầu liên danh và nhà thầu phụ là tương đối cao (90/111 gói thầu).

Liên quan đến phần giá trị hợp đồng mà nhà thầu trong nước nhận được đối với các gói thầu tổ chức đấu thầu quốc tế, báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, tỷ lệ phần trăm giá trị công việc nhà thầu trong nước thực hiện lớn nhất là trong lĩnh vực xây lắp với 53,61% (tương đương 24.513.753 triệu đồng); trong đó, tổng giá trị hợp đồng nhà thầu trong nước trúng thầu với tư cách nhà thầu độc lập là 8.785.291,23 triệu đồng, với tư cách liên danh là 11.675.050,99 triệu đồng, với tư cách thầu phụ là 4.053.411,64 triệu đồng. Đối với lĩnh vực mua sắm hàng hóa, do số lượng gói thầu tổ chức đấu thầu quốc tế mà nhà thầu trong nước tham gia thực hiện thấp, nên tỷ lệ phần trăm giá trị công việc mà nhà thầu trong nước thực hiện tại lĩnh vực này chỉ đạt 39,1%. Tỷ lệ này đối với lĩnh vực EPC/hỗn hợp là 15,02%.

Từ năm 2010 đến tháng 6/2015 có 4.232 lao động nước ngoài đã được sử dụng trong các gói thầu đấu thầu quốc tế, trong đó lĩnh vực EPC/hỗn hợp là 2.989 lao động, chiếm 70,63%; lĩnh vực mua sắm và xây lắp sử dụng lần lượt là 1.034 và 209 lao động, tương ứng với 24,43% và 4,94%.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư