Cơ chế nào để khuyến khích đầu tư điện “tự sản, tự tiêu”?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Công Thương đang lấy ý kiến hoàn thiện đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) lắp đặt tại nhà ở, công sở, doanh nghiệp (DN) theo hình thức “tự sản, tự tiêu”. Trong các góp ý đối với Dự thảo Quyết định về cơ chế trên, nhiều ý kiến nhấn mạnh, để phát huy tối đa nguồn lực xã hội đầu tư vào ĐMTMN, các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách hợp lý, hấp dẫn, rõ ràng hơn.
Theo Quy hoạch điện VIII, mục tiêu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà. Ảnh: KTG
Theo Quy hoạch điện VIII, mục tiêu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà. Ảnh: KTG

Đề xuất loạt cơ chế ưu đãi tạo lực đẩy

Theo Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII), năng lượng tái tạo được ưu tiên phát triển mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi năng lượng công bằng. Đặc biệt, ĐMTMN với mục đích “tự sản, tự tiêu” được khuyến khích phát triển không giới hạn, mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng nguồn điện này.

Bộ Công Thương cho rằng, trong bối cảnh cung ứng điện từ nay đến năm 2025 dự báo gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực miền Bắc, việc bổ sung kịp thời các nguồn ĐMTMN có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, hiện còn thiếu các cơ chế, chính sách đột phá trong thu hút đầu tư phát triển loại hình nguồn điện này.

Ngày 13/6/2023, Bộ Công Thương có Báo cáo số 74/BC-BCT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét có ý kiến chỉ đạo về Dự thảo Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam, trong đó đề xuất nhiều cơ chế khuyến khích phát triển.

Cụ thể, các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống ĐMTMN được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; các hệ thống ĐMTMN lắp đặt tại công sở được ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện; các tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng hệ thống ĐMTMN được miễn hoặc giảm thuế, phí, được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định của pháp luật…

Dù không giới hạn về quy mô công suất lắp đặt, nhưng Bộ Công Thương lưu ý, các cơ chế khuyến khích này chỉ áp dụng cho hệ thống điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở các DN để tự sử dụng mà không bán điện cho các tổ chức, cá nhân khác.

Cần cơ chế hợp lý, tránh lãng phí nguồn lực

Trao đổi với Báo Đấu thầu về cơ chế Bộ Công Thương đề xuất, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc khuyến khích lắp ĐMTMN theo hình thức “tự sản, tự tiêu” là không thiết thực (trừ một số nhà xưởng của các nhà máy công nghiệp tiêu thụ điện lớn).

“Hiện giá điện nước ta rất rẻ, lại được phủ rộng toàn quốc, giá pin ĐMTMN không giảm sâu như kỳ vọng nên chưa có động lực lắp đặt ĐMTMN tại nhà ở, công sở, DN để “tự sản, tự tiêu”, chưa kể thủ tục đấu nối rất phức tạp. Đặc biệt, sản lượng điện dư thừa không được bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)”, ông Thịnh nêu nguyên nhân.

Một chuyên gia lĩnh vực năng lượng cho rằng, nguồn lực xã hội có thể bị lãng phí khi đầu tư ĐMTMN “tự sản, tự tiêu”. Cụ thể, đối với các hộ sử dụng điện với mục đích sinh hoạt, phần lớn phải ra khỏi nhà để đi làm từ 7h đến 17h hàng ngày, khung giờ ĐMTMN phát huy hiệu quả phát điện thì lại không có phụ tải sử dụng điện. Đối với khách hàng sản xuất, 1 năm có 63 ngày nghỉ cuối tuần và nghỉ lễ, trong 302 ngày làm việc thì có 1 giờ/ngày nghỉ trưa nên hiệu quả sử dụng điện thực tế so với lượng điện “tự sản” chỉ khoảng 62%. Đối với trụ sở cơ quan, 1 năm có 115 ngày nghỉ cuối tuần và nghỉ lễ, trong 250 ngày làm việc thì có 2 giờ/ngày nghỉ trưa nên hiệu quả sử dụng điện thực tế chỉ khoảng 35%.

“Mặc dù tại Dự thảo Quyết định, Bộ Công Thương nêu nhiều cơ chế khuyến khích bằng vay vốn với lãi suất ưu đãi, tuy nhiên các tổ chức tín dụng có sẵn sàng tài trợ vốn hoặc các tổ chức, cá nhân có sẵn sàng bỏ chi phí lắp đặt hay không thì vẫn còn bỏ ngỏ”, chuyên gia này bày tỏ và nhấn mạnh, các cơ chế thúc đẩy đầu tư vào ĐMTMN cần hợp lý, nếu không sẽ gây lãng phí nguồn lực ngay từ khâu chính sách.

“Cơ quan quản lý nhà nước nên có chính sách hợp lý hơn để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực này. Chẳng hạn, EVN mua lại điện dư của các tổ chức, cá nhân với chi phí thấp hơn chi phí mua điện bình quân…”, vị chuyên gia trên đề xuất.

Góp ý cho Dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Công Thương xem xét, bổ sung các nội dung như: xây dựng chương trình hỗ trợ người dân, tổ chức tham gia đầu tư hệ thống ĐMTMN với các chương trình, kế hoạch cụ thể; đặt ra các mục tiêu cụ thể, lượng hóa được trong từng giai đoạn; cho phép nhà đầu tư hợp tác với người dân, tổ chức sở hữu/sử dụng nhà, tòa nhà, công sở để lắp đặt ĐMTMN “tự sản, tự tiêu” theo thỏa thuận giữa hai bên; Bộ Tài chính chủ trì, nghiên cứu bổ sung quy định miễn, giảm các loại thuế, phí…

Chuyên đề