Quy hoạch điện VIII: Giải bài toán huy động hàng trăm tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam cần một nguồn vốn rất lớn để hiện thực hóa Quy hoạch. Để huy động được nguồn vốn này, một số ý kiến cho rằng, trước hết phải tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn.
Theo Quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2021 - 2030, ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải của Việt Nam là 134,7 tỷ USD. Ảnh: Nhã Chi
Theo Quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2021 - 2030, ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải của Việt Nam là 134,7 tỷ USD. Ảnh: Nhã Chi

Theo Quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2021 - 2030, ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải của Việt Nam là 134,7 tỷ USD; định hướng giai đoạn 2031 - 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2 - 523,1 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4 - 511,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34,8 - 38,6 tỷ USD.

Để huy động được nguồn vốn này, Quy hoạch nhấn mạnh giải pháp nghiên cứu các cơ chế tài chính và huy động vốn đầu tư cho phát triển ngành điện. Đa dạng hóa nguồn vốn, các hình thức huy động nguồn vốn, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển điện lực; tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch; đa dạng hóa các hình thức đầu tư (nhà nước, tư nhân, đối tác công tư…) đối với dự án điện.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo, trong đó xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) để hoàn thiện chính sách về đầu tư, quy hoạch, điều hành giá điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh. Nghiên cứu xây dựng cơ chế đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư kèm giá điện trong quá trình sửa đổi Luật Điện lực và hoàn thiện mô hình thị trường điện cạnh tranh…

Đồng ý với giải pháp Quy hoạch đưa ra, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, chắc chắn phải huy động nguồn vốn xã hội hóa. Song để huy động được nguồn vốn từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước thì chính sách đầu tư trong lĩnh vực này phải rõ ràng, minh bạch, an toàn, tránh rủi ro, tránh đẩy nhà đầu tư vào tình trạng khốn khó như vừa qua. Khi nhà đầu tư thấy có lợi thì họ mới “xuống tiền” đầu tư.

“Nếu chính sách không có hoặc có mà không phù hợp thì Quy hoạch cũng chỉ để đó. Do vậy, điều quan trọng nhất hiện nay là chính sách thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này phải rõ ràng”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở và 50% số nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Theo ông Thịnh, mục tiêu này khó khả thi nếu giá điện không tiếp tục có sự điều chỉnh phù hợp. Hiện nay, giá bán điện của Việt Nam đang rất rẻ, điện lưới lại có sẵn nên người dân, tòa nhà công sở sẽ “không dại gì” mà đầu tư điện mặt trời với mức đầu tư đắt đỏ.

Đối với điện gió trên bờ, mục tiêu đến năm 2030 có gần 22.000 MW cũng là thách thức. Theo ông Thịnh, nếu tính 4.000 MW điện gió trang trại hiện nay và 1.600 MW đang đàm phán thì vẫn còn hơn 15.000 MW điện gió trên bờ chờ đầu tư. Với tình hình giá phát điện tái tạo, trong đó có điện gió chuyển tiếp đang gặp rất nhiều khó khăn, phải cắt giảm công suất như hiện nay thì sẽ không có nhà đầu tư nào dám “xuống tiền”.

Với điện gió ngoài khơi, mục tiêu trong Quy hoạch là đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 6.000 MW. “Để mục tiêu này thành hiện thực, ngay bây giờ cần giải quyết 2 vấn đề: chính sách cho điện gió ngoài khơi và xử lý chồng lấn quy hoạch trên biển”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Một nhà đầu tư điện gió tại Bến Tre cho rằng, phải đa dạng các hình thức đầu tư mới có thể đáp ứng nhu cầu vốn lớn để hiện thực hóa Quy hoạch. Để tăng sức hấp dẫn đầu tư thì điều quan trọng nhất là giá đầu ra phải hợp lý, hấp dẫn bên cạnh cơ chế chính sách rõ ràng để nhà đầu tư yên tâm kinh doanh.

Dẫn chứng cho vấn đề này, nhà đầu tư cho hay, một số nhà máy điện tái tạo đã vận hành thương mại (COD), tức là được hưởng giá ưu đãi nhưng vẫn báo lỗ như: Nhà máy Điện gió Ea Nam (Đắk Lắk) công suất 400 MW, Phong điện Chơ Long, Điện gió Phước Hữu - Duyên Hải 1, Phong điện Yang Trung…

Như vậy, có thể nói, việc Quy hoạch điện VIII được phê duyệt mới chỉ là một dấu mốc pháp lý quan trọng. Để hiện thực hóa mục tiêu theo Quy hoạch, có rất nhiều việc cần phải làm, trong đó quan trọng nhất là tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn để nhà đầu tư yên tâm kinh doanh.

Chuyên đề