Cần đột phá gỡ vướng thủ tục để cải thiện tốc độ giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến cuối tháng 10/2023, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và khu vực phát triển đô thị tỉnh An Giang được phân cấp làm chủ đầu tư mới đạt 28% kế hoạch (không bao gồm vốn ODA đạt 37,1%). Hiện các dự án đầu tư thuộc nhóm dân dụng, công nghiệp gặp khá nhiều vướng mắc về thủ tục nên rất khó khăn trong khâu triển khai thực hiện.

Ông Trần Minh Đức, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và khu vực phát triển đô thị tỉnh An Giang

Đầu tiên là thủ tục điều chỉnh dự án do tổng mức đầu tư một số dự án có quy mô lớn bị vượt so với tổng mức đầu tư được duyệt do trượt giá, tăng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB)… Kế đến là các thủ tục về phòng cháy chữa cháy theo quy chuẩn mới yêu cầu cao hơn cho các dự án đã được phê duyệt trước năm 2022 nên phải tiến hành thủ tục điều chỉnh dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện.

Một khó khăn lớn khác là thủ tục thẩm định giá đất, thẩm định giá thiết bị kéo dài do các đơn vị thẩm định giá từ chối thực hiện. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn tới công tác GPMB chậm, kéo dài so với kế hoạch. Bên cạnh đó, do năng lực một số đơn vị tư vấn thiết kế, quản lý dự án còn hạn chế nên quá trình lập hồ sơ dự án, thiết kế, dự toán ở một số công trình chưa sát hiện trạng, còn thiếu sót… làm phát sinh thủ tục điều chỉnh, bổ sung, ảnh hưởng lớn đến tiến độ các dự án và tình hình giải ngân nguồn vốn đã bố trí.

Đặc biệt, một số dự án có vốn ODA năm 2023 chưa giải ngân được do chờ xin chủ trương và thủ tục đàm phán hiệp định vay mất rất nhiều thời gian bởi quy định đặc thù của nguồn vốn ODA, nhiều khả năng phải xin trả lại vốn. Tại An Giang, hầu hết các dự án xây dựng đều sử dụng đến đất lúa, trong khi đó dự án chỉ có 1 m2 đất lúa cũng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường… Những bất cập về thủ tục khiến các dự án chậm tiến độ và rất cần có giải pháp đột phá để tháo gỡ căn bản.

Chuyên đề