Theo ông Vũ Tiến Lộc, năm 2017 sắp tới sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: Tường Lâm |
Vẫn còn khoảng cách khá xa với khu vực và thế giới
Tại Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đánh giá cao chủ trương của Chính phủ về xây dựng một Chính phủ kiến tạo với các quan điểm dứt khoát và chương trình hành động rõ ràng nêu trong các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35... tiến tới mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN và 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020. Các chương trình hành động này đang được bước đầu thực thi có hiệu quả, mang lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Sự thăng hạng của Việt Nam trong các bảng tổng sắp của Ngân hàng Thế giới, của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và con số doanh nghiệp thành lập mới vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp trong năm nay là những minh chứng sống động.
Chính phủ đang triển khai chương trình thúc đẩy cải cách thể chế, phát triển khu vực kinh tế tư nhân và việc triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, trình ra Quốc hội Dự luật DNNVV là những nỗ lực đáng kể…
Tuy vậy, theo ông Vũ Tiến Lộc, hiện vẫn còn một khoảng cách khá xa về chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và số lượng doanh nghiệp của nước ta so với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Nhiều chính sách kinh tế còn bất cập, thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo, thủ tục hành chính còn phiền hà, thực thi chưa nhất quán, sự thiếu minh bạch của môi trường kinh doanh và chi phí không chính thức còn cao… đang là những mối quan ngại lớn của cộng đồng doanh nghiệp.
7 khuyến nghị cải thiện môi trường kinh doanh
Theo ông Vũ Tiến Lộc, năm 2017 sắp tới sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp. TPP đang trắc trở, xu hướng chống toàn cầu hóa đang gia tăng, khả năng Quỹ dự trữ Liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang ập tới… Những nhân tố đó có thể dẫn tới sự đảo chiều của thương mại và đầu tư quốc tế và sẽ có ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế mới nổi, có độ mở cao, coi xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là những động lực tăng trưởng chính như Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, yêu cầu đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi dậy nội lực, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước và kết nối được khu vực này với các chuỗi giá trị toàn cầu, với các FDI chính là chìa khóa của sự phát triển bền vững. Do đó, ông Lộc đã đưa ra 7 khuyến nghị với Chính phủ. Trước tiên cần siết chặt kỷ cương thực hiện, tăng cường sự giám sát, phản biện của người dân và doanh nghiệp. Việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng để thúc đẩy thực thi là một giải pháp tốt và cần được thực hiện ở mọi cấp, mọi ngành.
Thứ hai là Chính phủ cần chuẩn bị tích cực để có thể trình được ra Quốc hội dự luật một luật sửa nhiều luật liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh ngay trong kỳ họp tới và việc này phải được tiến hành thường xuyên vì tình hình đang thay đổi hết sức nhanh chóng.
Thứ ba là cần xây dựng ngay Chương trình hành động hỗ trợ chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, sửa đổi những yêu cầu về thủ tục hành chính, chính sách thuế, tín dụng… không phù hợp để khuyến khích và thúc đẩy quá trình này. Chắc chắn khi sửa đổi chính sách và thủ tục, sẽ có những nội dung liên quan đến các điều luật thì thiết kế đưa ngay vào Luật Hỗ trợ DNNVV hoặc Luật sửa đổi các Luật về đầu tư kinh doanh để có thể ban hành trong kỳ họp tới.
Thứ tư là trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi Bộ Luật Lao động hiện hành theo hướng sửa đổi các quy định về thời gian làm thêm một cách linh hoạt trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, theo thực tiễn tốt ở các nước trên thế giới, điều chỉnh các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội cho phù hợp, bảo đảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ năm là sớm trình Quốc hội ban hành Luật về Công nghiệp hỗ trợ. Việc kết nối DNNVV trong nước với các chuỗi sản xuất cung ứng của các tập đoàn xuyên quốc gia rất cần một khung khổ pháp luật và chính sách đủ mạnh để thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vốn đang rất trì trệ hiện nay.
Thứ sáu, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị triển khai rộng rãi các mô hình và công nghệ cải cách hành chính đã thí điểm thành công ở một số địa phương và bộ ngành như Chính phủ điện tử; mô hình Trung tâm dịch vụ hành chính công và cơ quan xúc tiến và hỗ trợ đầu tư độc lập đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo tỉnh; tăng cường các kênh đối thoại giữa lãnh đạo chính quyền và doanh nghiệp. Bên cạnh các cơ chế đối thoại chính thức, khuyến khích cơ chế đối thoại không chính thức như “cà phê doanh nhân” có thể là một kinh nghiệm tốt.
Thứ bảy là tăng cường kết nối các tập đoàn xuyên quốc gia, các doanh nghiệp FDI với DNNVV trong nước. Để làm được điều này, ông Lộc đề nghị Ngân hàng Thế giới, các tổ chức quốc tế, các bộ ngành và địa phương, khu vực FDI và các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước phối hợp hỗ trợ cùng với VCCI. Đây là trách nhiệm xã hội và cũng là phương thức để các doanh nghiệp FDI bám rễ sâu vào nền kinh tế Việt Nam, phát triển bền vững tại Việt Nam.