Triển vọng kinh tế Việt Nam qua lăng kính ADB

(BĐT) - Tăng trưởng của Việt Nam đang có sự dịch chuyển theo hướng bền vững hơn với sự dẫn dắt của nhiều ngành kinh tế có thế mạnh. Song song với quá trình này là thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại để khơi dậy tiềm năng, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng.
Môi trường kinh doanh tăng hạng, vốn FDI tiếp tục “chảy” mạnh vào Việt Nam. Ảnh: Vĩnh Phúc
Môi trường kinh doanh tăng hạng, vốn FDI tiếp tục “chảy” mạnh vào Việt Nam. Ảnh: Vĩnh Phúc

5 động lực chính dẫn dắt tăng trưởng

Bức tranh kinh tế đầy triển vọng của Việt Nam đang dần rõ nét thông qua các con số được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố tại cuộc họp báo tổ chức sáng 11/4 tại Hà Nội.

Theo ông Aaron Batten, Chuyên gia kinh tế cao cấp của ADB, dựa trên đà tăng trưởng kinh tế ấn tượng năm 2017, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018 sẽ đạt 7,1% trước khi giảm trở lại 6,8% vào năm 2019. Nhiều động lực “nội sinh” đang dẫn dắt tăng trưởng theo hướng bền vững hơn.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ông Aaron Batten cho rằng, vốn FDI đăng ký tăng 47% trong năm 2017, đạt gần 36 tỷ USD, trong khi số vốn giải ngân tăng 10,8% lên mức kỷ lục 17,5 tỷ USD. Riêng 3 tháng đầu năm 2018, vốn FDI giải ngân tiếp tục đạt mức cao 3,8 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Bức tranh FDI vào Việt Nam thời gian gần đây cũng thay đổi, các doanh nghiệp (DN) FDI đa dạng hơn nhiều… “Chúng ta không chỉ nhìn thấy các DN lớn, mà đang có thêm nhiều DN nhỏ và vừa, tạo cơ hội dàn đều trong phát triển các ngành kinh tế Việt Nam”, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận xét.

Xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I với mức tăng ấn tượng của mặt hàng điện thoại di động và linh kiện trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong khi đó, nông nghiệp tiếp tục phục hồi và có sự bứt phá mới. Kim ngạch xuất khẩu dự báo tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới khi Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng được củng cố trên nền tảng thu nhập tăng và lạm phát ổn định. Xét về độ lạc quan, năm 2017, người tiêu dùng Việt Nam xếp thứ 7 trên toàn cầu theo khảo sát của Nielsen. Doanh số bán lẻ tăng 10,9% trong năm 2017, đạt mức kỷ lục 129,6 tỷ USD.

Đặc biệt, môi trường kinh doanh và việc làm liên tục được cải thiện. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, năm qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc trong bảng xếp hạng. Điều này góp phần tạo ra gần 127.000 DN mới trong năm 2017 và gần 27.000 DN trong quý I/2018. Cùng với đó, nhiều dự báo gần đây cho thấy, triển vọng đầu tư cá nhân, DN đang rất sáng. 

Còn không ít rủi ro

Bên cạnh bức tranh kinh tế đầy triển vọng, ADB cũng chỉ ra rằng, trong năm 2018 và những năm tiếp theo, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro, thách thức.

Về thách thức lạm phát, theo ông Eric Sidgwick, dù lạm phát được dự báo sẽ tăng, nhưng nhìn chung vẫn khá ổn định trong năm nay (khoảng 3,7%) và tăng lên 4% trong năm 2019. “Hiện tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang đạt “điểm chín”, chưa có dấu hiệu tăng trưởng nóng, nhưng lạm phát đang có chiều hướng đi lên. Điều cần làm hiện nay là làm sao Việt Nam vừa có tăng trưởng cao, nhưng không để lạm phát cao, nếu không sẽ ảnh hưởng đến phát triển dài hạn”, ông Eric Sidgwick nhấn mạnh. Nhằm kiểm soát lạm phát, chuyên gia ADB cũng lưu ý, mỗi biến động tăng của giá dầu thế giới sẽ tác động lớn đến lạm phát của Việt Nam, theo đó sẽ làm tăng chi phí vận tải và năng lượng.

Nhìn về sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại hiện nay, ADB cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, kim ngạch thương mại hàng năm vượt mức 185% GDP khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại cao thứ hai Đông Nam Á, sau Singapore. Vì thế, mọi động thái tăng cường bảo hộ thương mại của các nước lớn sẽ ảnh hưởng mạnh đến Việt Nam.

“Việc phụ thuộc đáng kể vào vốn FDI và thương mại với Hàn Quốc làm gia tăng rủi ro cho Việt Nam trước các căng thẳng địa chính trị. Biến động trên thị trường tài chính quốc tế gia tăng hoặc luồng vốn gián đoạn sẽ có ảnh hưởng lan tỏa đáng kể đến thị trường nội địa”, ADB cảnh báo.

Nền kinh tế Việt Nam cũng đang bộc lộ rõ thách thức về nguồn lao động có trình độ, tay nghề cao, trở thành một rào cản đối với việc thu hút FDI. Trong khi đó, tiến độ thoái vốn nhà nước khỏi các DN nhà nước dù đã nhanh hơn, song vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Tình hình xử lý nợ xấu tiến triển chậm… “Tất cả những thách thức trên cần được giải quyết để kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng cao, ổn định và bền vững”, ADB khuyến nghị.             

Chuyên đề