Thay đổi tư duy và hành động để Việt Nam phát triển bền vững

(BĐT) - Phát biểu khai mạc tại “Diễn đàn bền vững Việt Nam 2018 (VSF)” đang diễn ra tại Hà Nội, GS. Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và chuyên gia toàn cầu (AVSE Global) nhấn mạnh, Diễn đàn là một sự kiện quan trọng và có ý nghĩa cho tương lai của Việt Nam. Đây là nơi hội tụ của các ý tưởng khoa học, chính sách mong muốn thực hiện trong những năm tới đây nhằm đưa Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Lê Tiên
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Lê Tiên

Theo GS. Khương, thời gian và những trải nghiệm cuộc sống cho thấy hoạt động của con người đã và đang đưa đến những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống, tạo nên biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần, sức khỏe và hiệu quả kinh tế. Song thực tế cho thấy, cũng chính con người có thể thiết kế lại hệ sinh thái sống cho mình tốt và an toàn hơn bằng giải pháp mấu chốt chính là thay đổi tư duy và hành động.

“Bền vững không phải là một chi phí mà là tư duy và cách làm tạo nên sự khác biệt để đất nước phát triển thịnh vượng và bền vững”, GS. Nguyễn Đức Khương nêu thông điệp.

Đề cập về ý tưởng ra đời VSF, GS. Nguyễn Đức Khương cho biết, tháng 6/2016, ông được mời tham dự Diễn đàn bền vững của Thụy Sỹ trong vai trò là một diễn giả. Tại đây, ông đã bị thuyết phục bởi chính những ý tưởng và những dự án hoàn thành cũng như các tham vấn chính sách mà Diễn dàn này đã đưa ra khuyến nghị cho các Chính phủ khắp nơi trên thế giới. Từ đó, ý tưởng xây dựng và tạo lập một diễn đàn bền vững Việt Nam được ra đời. 

“Điều quan trọng, ý tưởng này đã được đông đảo các đối tác ủng hộ, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Học Viện Chính sách và Phát triển nên VSF đã được tổ chức hôm nay”, GS. Khương cho biết.

Nhìn nhận về phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam, GS. Khương cho rằng, thách thức cho phát triển bền vững rất lớn. Quốc gia khó có thể phát triển phồn vinh lâu dài nếu không có một lối tư duy, dấn thân của cá nhân, tổ chức DN và Chính phủ sự phát triển bền vững.

“Rõ ràng con đường phát triển bền vững còn rất dài nhưng tôi tin rằng khi chúng ta có những người bạn đồng hành tốt thì đích đến sẽ nhanh hơn”, GS. Khương nhấn mạnh.

Diễn đàn bền vững Việt Nam 2018 (VSF) diễn ra trong 2 ngày 18-19 tại Hà Nội và Quảng Ninh. Ảnh: Lê Tiên

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng có bài phát biểu sâu sắc đề cập về các vấn đề kinh tế của Việt Nam hiện nay cũng như những thách thức đang đặt ra. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, thực tế năng suất lao động và sức cạnh tranh DN còn thấp, xuất khẩu phụ thuộc nhiều FDI, đói nghèo giảm nhưng khoảng cách về giàu nghèo ngày càng lớn. Trong khi đó, biến đổi khí hậu tác động ngày càng lớn. Hai năm gần đây, Việt Nam chứng kiến những thay đổi của biến đổi khí hậu nhanh chóng và khốc liệt so với những dự báo thời gian qua như: hạn hán xâm nhập mặn của Tây Nam Bộ, triều cường Nam Bộ, lũ quét ở phía Bắc… Đây là những thách thức đối với phát triển bền vững. Không tìm ra được động lực phát triển mới, giải pháp hữu hiệu, Việt Nam khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Nếu Việt Nam không thay đổi thì khó phát triển bền vững.

Theo Ban Tổ chức, các kết quả, kiến nghị tại Diễn đàn sẽ tiếp tục đóng góp vào việc hoạch định chính sách của Việt Nam trong thời gian tới, nhất là chuẩn bị cho việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030./. 

Chuyên đề