Bệ phóng cho Hà Nội tăng tốc phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2024 khép lại trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp nhưng Thủ đô Hà Nội vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế cao hơn cùng kỳ năm trước. Thành phố đã thực hiện quyết liệt và hoàn thành xây dựng cơ chế, chính sách phát triển, huy động mọi nguồn lực để kiến thiết, tạo đà phát triển nhanh và mạnh trong tương lai.
Hàng loạt dự án nhà ở, khu đô thị thuộc Kế hoạch phát triển nhà ở của TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 3) đã được phê duyệt. Ảnh: Lê Tiên
Hàng loạt dự án nhà ở, khu đô thị thuộc Kế hoạch phát triển nhà ở của TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 3) đã được phê duyệt. Ảnh: Lê Tiên

Thủ đô qua những con số

UBND TP. Hà Nội cho biết, năm 2024, tăng trưởng GRDP của Thủ đô đạt khoảng 6,52%. Thành phố dự kiến hoàn thành 23/24 chỉ tiêu kế hoạch, trong đó, tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 11% (kế hoạch là 5%); tổng thu ngân sách nhà nước là 492.309 tỷ đồng, đạt 120,5% dự toán, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2023, đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách và nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Theo ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, trong năm 2024, Thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, thực chất, hiệu quả, có trọng điểm, trọng tâm các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần năng động, sáng tạo, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức. Nhờ đó, nhiều chính sách mới từng bước đi vào cuộc sống, đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực phía Bắc và cả nước.

UBND Thành phố đã ban hành Chương trình hành động số 04/CTr-UBND ngày 14/3/2024 về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2024. Chương trình đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, với chủ đề xuyên suốt là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; gắn trách nhiệm với tiến độ hoàn thành của từng sở, ban, ngành và địa phương, quyết tâm hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu nhiệm vụ trên tinh thần 5 rõ: “Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, tiến độ, rõ kết quả, sản phẩm”.

Năm 2024, Thành phố đã ban hành 45 định mức kinh tế kỹ thuật, 249 đơn giá sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Thành phố lĩnh vực tài nguyên, giao thông, lao động.

Đặc biệt, Hà Nội đã tập trung huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, có tính kết nối cao; hoàn thành các tuyến đường quốc lộ, cao tốc, vành đai, các nút giao thông cửa ngõ… gắn với phát triển đô thị. Nhiều công trình đã hoàn thành như hệ thống đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5 km thuộc Dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, vận hành thương mại từ ngày 8/8/2024 (đoạn ngầm Cầu Giấy - ga Hà Nội dài 4 km dự kiến hoàn thành năm 2027); Dự án đường Âu Cơ đoạn Khách sạn Thắng Lợi - cầu Nhật Tân; cầu vượt hướng đường Cổ Linh (qua đường Nguyễn Văn Cừ)…

Bên cạnh đó, Thành phố cũng đẩy mạnh công tác quy hoạch, tạo lập không gian phát triển mới cho Thủ đô. Ngày 12/12/2024, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo Quy hoạch, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5 - 9,5%/năm thời kỳ 2021 - 2030. Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2030 gấp 3,4 lần năm 2020, đóng góp 15 - 16% GDP của cả nước, khoảng 45 - 46% GRDP của vùng Đồng bằng sông Hồng. GRDP bình quân/người (giá hiện hành) đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD. Kinh tế số chiếm 40% trong GRDP của Thành phố. Tốc độ tăng năng suất lao động khoảng 7,5 - 8%/năm.

Tầm nhìn mới và hành động Hà Nội

Theo UBND TP. Hà Nội, hiện nay, hàng loạt dự án trong Danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị thuộc Kế hoạch phát triển nhà ở của Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 3) đã được phê duyệt, trong đó có 36 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư (10 dự án đang triển khai, dự kiến hoàn thành năm 2025 và 26 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025), 85 dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư; phê duyệt 17 đồ án quy hoạch phân khu tại đô thị vệ tinh với tổng diện tích khoảng 8.617,99 ha, nâng tổng số đồ án quy hoạch phân khu được duyệt lên 23/26 đồ án…

Trong năm 2024, HĐND Thành phố đã thông qua Quy chế quản lý kiến trúc TP. Hà Nội và Chương trình phát triển đô thị TP. Hà Nội đến năm 2035, tạo lập khung pháp lý cho hoạt động quy hoạch và định hình rõ các mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai, góp phần nâng cao chất lượng sống và tối ưu hóa không gian đô thị.

Lãnh đạo UBND Thành phố cho biết, quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong nhận thức và hành động về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, UBND Thành phố xác định sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để đưa Hà Nội phát triển mạnh mẽ, toàn diện, xứng đáng với vai trò, vị thế Thủ đô của một đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới. Hà Nội cam kết sẽ triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thủ đô 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025); Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; chuẩn bị các cơ chế, chính sách phát triển tăng tốc, đột phá cho năm 2025 và giai đoạn phát triển 2026 - 2030; xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công và các chương trình, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực 5 năm 2026 - 2030 gắn với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”.

Năm 2025, Thành phố sẽ tập trung phát triển kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới. Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện, bứt phá, nhất là xây dựng thể chế số thông thoáng, hạ tầng số hiện đại; thúc đẩy chuyển đổi xanh và triển khai hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực như năng lượng, giao thông, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp… Xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật…

Cùng với đó, Hà Nội sẽ tập trung ưu tiên xây dựng, tạo bước đột phá mạnh hơn nữa về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại; tập trung nguồn lực, chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng xây dựng hệ thống giao thông công cộng, nhất là hệ thống đường sắt đô thị; phát triển đường vành đai, đường trên cao, đường cao tốc tạo sự kết nối thông suốt để phát huy tối đa tiềm lực kinh tế vùng.

Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm như đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, phấn đấu thông xe Dự án thành phần 2.1 trong quý IV/2025; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1); hầm chui nút giao đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng; tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường Vành đai 3; đoạn ngầm Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội; Tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; đồng thời chuẩn bị đầu tư Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 2A kéo dài đoạn Hà Đông - Xuân Mai, Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai, Tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc); tập trung đầu tư xây dựng các cầu lớn qua sông Hồng như cầu Tứ Liên, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo...

Theo các chuyên gia, với quyết tâm cao và đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm, Hà Nội sẽ sớm đạt được mục tiêu xây dựng nền quản trị chính quyền địa phương hiện đại gắn với chuyển đổi số. Đồng thời, nhiều cơ chế mới đột phá của Luật Thủ đô 2024 sẽ giúp Hà Nội xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thu hút, quản lý, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và mạnh thời gian tới.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư