Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm 2017 đã đạt được nhiều kết quả bước đầu về cắt giảm điều kiện kinh doanh bất hợp lý với hơn 5.000 thủ tục hành chính. Ảnh: Trần Hải |
Đó là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi bàn về những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng 2020 (NQ19) tại Hội nghị Triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 diễn ra hôm qua, 28/12/2018.
Nhiều Bộ đã dám từ bỏ quyền lực
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh (ĐKKD) nhằm thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích phát triển doanh nghiệp là trọng tâm của Chính phủ trong những năm gần đây. Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất 1/3 đến 1/2 số ĐKKD hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực hiện nhiệm vụ rà soát, cắt giảm ĐKKD, một số Bộ đã nhanh chóng triển khai các hành động cụ thể. Kết quả được Bộ KH&ĐT tổng hợp đến thời điểm này là Ngân hàng Nhà nước đề nghị giữ nguyên các quy định về ĐKKD trong lĩnh vực ngân hàng.
Bộ Công Thương là Bộ đầu tiên thực hiện rà soát và có phương án cắt giảm ĐKKD thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình. Cơ quan này đề xuất phương án cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh trong tổng số 1216 ĐKKD (giảm khoảng 55%).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tổng số 345 ĐKKD, dự kiến đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (gồm bãi bỏ 65 và sửa đổi 53 điều kiện), chiếm 34,2%.
Bộ Xây dựng có nỗ lực cải cách đáng kể, thực chất về môi trường kinh doanh nói chung và ĐKKD nói riêng. Bộ đề xuất bãi bỏ 89 điều kiện (41,3%); đơn giản hóa 94 điều kiện (43,7%); giữ nguyên 32 điều kiện (15%), tổng số là 215 điều kiện đầu tư, kinh doanh.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã thực hiện rà soát, đề xuất cắt giảm, sửa đổi 51 ĐKKD (đạt 16%), nhưng chưa có phương án sửa đổi cụ thể đối với các ĐKKD sửa đổi.
Đối với 10 Bộ, ngành khác (gồm: Tài chính, Y tế, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Quốc phòng, Tư pháp), Bộ KH&ĐT chưa nhận được thông tin về việc rà soát, đề xuất cắt giảm, sửa đổi ĐKKD thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành này.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong năm 2017 đã đạt được nhiều kết quả bước đầu về cắt giảm ĐKKD bất hợp lý với hơn 5.000 thủ tục hành chính về ĐKKD, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu… đã được cắt giảm, đơn giản hóa. Thủ tướng ghi nhận nhiều bộ như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng đã đề xuất cắt từ 1/3 đến 1/2 thủ tục. “Dám từ bỏ quyền lực để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn là điều rất quan trọng”, Thủ tướng đánh giá.
Coi thực hiện các NQ 19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, căn cứ theo các thông tin nhận được cho đến nay, các bộ, cơ quan, địa phương đã quan tâm hơn tới việc thực hiện Nghị quyết 19-2017. Môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, năng lực cạnh tranh của nước ta đã có sự cải thiện tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, và các tổ chức quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp chưa được các bộ, cơ quan giải quyết theo yêu cầu của Nghị quyết, nhất là việc rà soát, đề xuất cắt giảm, sửa đổi các quy định về ĐKKD; về cải cách quản lý và kiểm tra chuyên ngành.
Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh năm 2018 (Nghị quyết 19-2018). Nghị quyết 19-2018 tiếp tục tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh, mục tiêu đạt thứ hạng 50 - 60 về môi trường kinh doanh, nhấn mạnh tới các giải pháp cải thiện chỉ số còn thấp điểm và thấp hạng như khởi sự kinh doanh, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, giải quyết phá sản doanh nghiệp; mở rộng thêm nội dung về nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch và logistics để hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu ngành nói riêng, thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Các quy định về điều kiện chung như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; yêu cầu về phòng cháy chữa cháy; môi trường; an toàn lao động;… mặc dù đã được quản lý bởi các cơ quan như Công an, Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội,… nhưng các bộ khác vẫn quy định quản lý cả những điều kiện này.
Vẫn còn giữ lại những ĐKKD không cần thiết; hoặc được quy định chung chung, không rõ ràng, không cụ thể. Trong số ĐKKD đề xuất bãi bỏ, sửa đổi thì khoảng 1/2 số điều kiện thuộc diện sửa đổi. Có điều kiện sửa đổi chỉ đơn thuần diễn đạt lại từ ngữ, chưa thực chất tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra ở địa phương này, địa phương khác, ngành này, ngành khác vẫn còn nhiều vấn đề gây trở ngại cho môi trường đầu tư kinh doanh, chưa hướng về tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, chưa có những tháo gỡ cụ thể. Năng lực cạnh tranh quốc gia còn nhiều yếu kém, môi trường cạnh tranh còn nhiều vấn đề. Do đó, việc tiếp tục thực hiện NQ 19 là nhiệm quan trọng trong năm 2018, xác định rõ vướng mắc, khó khăn, để tiếp tục tháo gỡ.
Trong báo cáo tại Hội nghị, Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện NQ 19 trong năm 2018. Trong đó, yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sát sao việc thực hiện các NQ 19, coi đây là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ này.