Khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

(BĐT) - Dù nền kinh tế Việt Nam vẫn trụ vững trong quý đầu tiên của năm 2020, nhưng những tác động từ dịch Covid-19 đã, đang và sẽ “ngấm” rõ hơn, đòi hỏi cần có các quyết sách mạnh mẽ, giải pháp hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp tồn tại, cầm cự vượt qua được khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội. Từ đó mới có cơ hội để nền kinh tế bật lên sau đại dịch.
Người bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 dự kiến sẽ được hỗ trợ. Ảnh: Lê Tiên
Người bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 dự kiến sẽ được hỗ trợ. Ảnh: Lê Tiên

Nền kinh tế còn chồng chất khó khăn

Trong bối cảnh Quỹ Tiền tệ quốc tế hạ dự báo tăng trưởng năm 2020, cảnh báo dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái với mức độ trầm trọng tương đương, thậm chí lớn hơn so với năm 2009, theo Ngân hàng Thế giới (WB), Chính phủ Việt Nam đã chủ động kiểm soát mọi tình hình, nền kinh tế Việt Nam vẫn tạm thời đứng vững trước các cú sốc bên ngoài. Quý I/2020, tăng trưởng của Việt Nam đạt 3,82%, mức thấp nhất trong 11 năm qua nhưng là con số cao nhất trong số các nước có được số liệu đến thời điểm này.

WB nhận định, với dư địa chính sách trong tay, Việt Nam đang ở vị thế vững vàng để vượt qua khủng hoảng về y tế và kinh tế đang diễn ra. Việt Nam cũng đang có vị thế vững chắc để hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do. Trong trung hạn, tăng trưởng dự báo sẽ lên đến 7,5% trong năm 2021 và quanh mức 6,5% năm 2022 nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục.

Tuy triển vọng trung hạn theo nhận định của WB là khá tốt, nhưng trong năm 2020, khó khăn, thách thức là rất lớn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, dịch Covid-19 đang tác động toàn diện đến phát triển kinh tế - xã hội. Nếu dịch kéo dài có thể dẫn đến tình trạng đình trệ sản xuất trong nước, đặt ra thách thức lớn về bảo đảm việc làm, an sinh và ổn định xã hội. Dự kiến sẽ có từ 250 - 400 nghìn lao động bị mất việc làm tùy vào mức độ bùng phát của dịch, áp lực lạm phát tăng cao, khả năng hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 đã đề ra sẽ gặp rất nhiều thách thức và có nhiều khả năng không đạt mục tiêu 6,8%. Trong trường hợp dịch Covid-19 kéo dài, có thể đến hết quý II, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32%, giảm 1,48 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra. Trường hợp dịch được khống chế trong quý III thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%, giảm 1,75 điểm phần trăm so với mục tiêu. 

Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng

Theo một số thống kê, các quốc gia chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên thế giới bên cạnh việc triển khai khẩn cấp các giải pháp phòng, chống dịch đều có những hành động khác nhau nhằm hỗ trợ nền kinh tế và dự trù các giải pháp tăng cường sau khi dịch kết thúc.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo đảm an sinh xã hội đang được thảo luận, thống nhất, để có thể công bố ngay một gói hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong lúc khó khăn này.

Dự thảo Nghị quyết do Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguyên tắc chung là hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19; Nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Đồng thời, việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách tại nghị quyết này.

Các chính sách hỗ trợ áp dụng trong thời gian có dịch cần tập trung vào các giải pháp nhằm giảm gánh nặng, trách nhiệm các khoản phải đóng của doanh nghiệp, giảm chi phí đầu vào, giảm giá điện, nước, thuê mặt bằng, hỗ trợ giữ lao động. Đồng thời, xem xét hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, người chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất một số đối tượng hỗ trợ như người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ... Tổng số tiền hỗ trợ dự kiến khoảng 61.580 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 35.880 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc sử dụng công cụ chính sách tiền tệ và tài khóa cần linh hoạt, thận trọng nhằm tránh các ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định vĩ mô, vì đây là yếu tố then chốt để phát triển bền vững.

Ngoài ra, nhiều tổ chức, chuyên gia nhận định, trong bối cảnh dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ hạn hẹp, việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công là giải pháp ưu tiên và có tính khả thi nhất để hỗ trợ nền kinh tế. Theo thống kê sơ bộ của Bộ KH&ĐT, tổng số vốn đầu tư công cần phải giải ngân trong năm 2020 (bao gồm cả kế hoạch đầu tư công năm 2020, số vốn còn lại của các kế hoạch đầu tư công năm trước được chuyển nguồn, tiếp tục thực hiện và giải ngân trong năm 2020, các khoản chi đầu tư công bổ sung từ nguồn dự phòng, tăng thu, tiết kiệm chi của cả Trung ương và địa phương...) là khoảng 690 nghìn tỷ đồng. Số vốn này được giải ngân sẽ đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng năm nay, lan tỏa tới nhiều ngành, lĩnh vực khác, đồng thời nâng cao chất lượng hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế bứt phá trong những năm sau.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư