Các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà quản lý, doanh nghiệp khuyến nghị nhiều chính sách, giải pháp để Chính phủ Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đón đầu vận hội mới, cơ hội mới.
Trong bối cảnh toàn cầu thay đổi nhanh chóng, Việt Nam cần chuyển sang quỹ đạo tăng trưởng xanh, lấy năng suất làm động lực để duy trì tiến trình hướng tới một nền kinh tế thu nhập cao hơn, tăng trưởng bền vững, bao trùm và không ai bị bỏ lại phía sau.
Chúng tôi hoan nghênh những cải cách về luật pháp và lĩnh vực công, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, giúp doanh nghiệp (DN) Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Thời gian tới, Việt Nam cần tập trung phát triển nguồn nhân lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích những nỗ lực này để tạo điều kiện cho sự phát triển của các DN khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ, đặc biệt là các nữ doanh nhân và các DN do phụ nữ làm chủ, đảm bảo họ được tiếp cận bình đẳng các cơ hội và lợi ích của sự phát triển.
Tôi muốn chia sẻ một chút về mô hình của Canada. Canada là nước đi đầu trên thế giới về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, được công nhận là một trong những quốc gia đổi mới và cạnh tranh hàng đầu trên thế giới.
Để đạt được kết quả này, Canada có lịch sử lâu dài đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), tài trợ cho các chương trình đối tác giữa khu vực DN và khu vực đào tạo, thực thi những chính sách và quy định thân thiện cho đổi mới sáng tạo, khuyến khích khu vực tư nhân cải thiện áp dụng khoa học công nghệ. Đặc biệt, Chính phủ đã công bố hàng loạt biện pháp bổ sung trong ngân sách năm 2017, như: hỗ trợ hoạt động R&D, thử nghiệm và ứng dụng công nghệ sạch; thành lập tổ chức “Đổi mới sáng tạo Canada” có chức năng như đầu mối mua bán giữa chủ sáng kiến và các chương trình đổi mới sáng tạo;…
Chính phủ Canada luôn nỗ lực đảm bảo DN Canada luôn ưu việt về công nghệ và có sức cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, chỉ một mình Chính phủ không thể hoàn thành nhiệm vụ này. Các cơ sở giáo dục nâng cao, DN và các tổ chức phi lợi nhuận tư nhân cũng là những bên chính trong hoạt động R&D.
Khởi nghiệp sáng tạo (startup) đang là xu hướng phát triển trên thế giới trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay. Đây là quá trình hiện thực ý tưởng kinh doanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Những câu chuyện khởi nghiệp nổi tiếng trên thế giới, trong đó có Uber đã minh chứng startup đang góp phần thay đổi thế giới.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chuyển dịch đó, thậm chí chúng ta có nhiều tiềm năng để phát triển khởi nghiệp sáng tạo với lực lượng đông đảo các bạn trẻ đam mê, sáng tạo và có nền tảng công nghệ thông tin rất tốt.
Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và đang chuyển đổi mô hình từ phát triển dựa vào các yếu tố như tài nguyên, lao động giá rẻ sang phát triển dựa vào nâng cao hiệu suất. Đảng và Chính phủ đã có những chuyển dịch kịp thời trong chủ trương, chính sách và khẳng định khởi nghiệp sáng tạo là một trong những động lực phát triển của nền kinh tế, thể hiện qua các văn bản như Nghị quyết số 35/NQ-CP; Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trong đó khởi nghiệp sáng tạo là 1 trong những mục tiêu hỗ trợ DN trọng tâm trong giai đoạn tới.
Tôi tin rằng, Việt Nam không thiếu ý tưởng hay, nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta còn khá mới mẻ và non trẻ, vì thế rất cần những hỗ trợ, kinh nghiệm từ bên ngoài để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, giúp các bạn trẻ khởi nghiệp sáng tạo thành công.
Người Việt Nam rất giỏi và thông minh. Đây là một trong những cơ hội lớn để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lan tỏa mạnh mẽ, góp phần phát triển đất nước. Để làm được điều này, Chính phủ cần nuôi dưỡng bằng cách tạo ra không khí khởi nghiệp ngay tại các trường đại học, gây dựng cho các sinh viên một tư tưởng họ phải làm chủ đất nước của họ, chứ không phải là những người làm thuê. Và khi ta làm chủ mọi thứ sẽ khác.
Cùng với việc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp ngay tại các trường đại học, việc minh bạch trong hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng là một trong những vấn đề cần được Chính phủ quan tâm thích đáng nhằm giảm thiểu rủi ro trong việc sử dụng nguồn hỗ trợ (vốn mồi) từ nguồn ngân sách nhà nước. Giả sử Nhà nước có khoảng 100 triệu USD vốn đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo thì cũng không thể tập trung hỗ trợ cho 1 - 2 doanh nghiệp (DN), mà phải chia cho nhiều DN. Song song với hoạt động hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Chính phủ cũng cần có hoạt động kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ nhằm đảm bảo rằng các đối tượng khởi nghiệp được đảm bảo đối xử công bằng, minh bạch, đặc biệt là không thấy thất vọng.
Giải pháp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động là phát triển nguồn vốn con người. Ảnh: Trần Việt Hưng
Thế giới đang đi rất nhanh, không thể chờ chúng ta được. Áp dụng đổi mới khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo là một trong các dư địa để có thể tăng tốc độ tăng năng suất của nền kinh tế, giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn.
Môi trường kinh doanh phải hỗ trợ thúc đẩy, nâng đỡ khuyến khích đổi mới sáng tạo, nhưng thể chế của chúng ta chưa tạo được sức kéo đó. Mức độ phát triển thị trường của nền kinh tế ở Việt Nam còn thấp, ít được cải thiện trong nhiều năm qua. Thể hiện ở thị trường các yếu tố sản xuất còn yếu kém và rất méo mó, chưa phải là nhân tố chủ yếu trong huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế. Giá của các yếu tố sản xuất như lãi suất, tiền lương, quyền sử dụng đất chưa được hình thành theo cơ chế thị trường, quan hệ cung cầu, mà còn theo quyết định hành chính. Vì thế, cạnh tranh thị trường tại Việt Nam chưa đạt được sự cạnh tranh thực sự, công bằng để trở thành động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả của DN và của nền kinh tế.
Cần thực hiện một chính sách cạnh tranh toàn diện trên 3 phương diện: xây dựng và phát triển đồng bộ các loại thị trường, đặc biệt là thị trường nhân tố sản xuất; tăng quy mô và mức độ cạnh tranh của thị trường; đảm bảo cạnh tranh công bằng và bình đẳng.
Khi có cạnh tranh thực sự buộc DN phải nghĩ đến áp dụng khoa học công nghệ, thay đổi, đổi mới để nâng cao năng suất lao động. Còn nếu không cải cách, cạnh tranh, thì người ta sẽ nghĩ rằng thà quen biết một ông nào đó còn hơn là đi nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ để thay đổi. Động lực phát triển khi đó đã sai lệch.
Cạnh tranh thực sự, bình đẳng chính là động lực để DN áp dụng khoa học công nghệ và việc này là hoàn toàn phụ thuộc ở chúng ta. Chưa có nền tảng kinh tế thị trường đúng nghĩa thì tất cả những bài học từ quốc tế chỉ là bài học.
Cùng với xu hướng của kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt với giảm sút về tăng trưởng năng suất. Để đáp ứng, các nhà lập chính sách của Việt Nam cần tập trung vào các chính sách nhằm kích thích đổi mới cơ cấu từ các hoạt động có giá trị gia tăng thấp sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao.
Trong khi sáng tạo là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng năng suất, giải pháp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc, Singapore là phải phát triển nguồn vốn con người; tài trợ cho đổi mới sáng tạo; đầu tư xây dựng hạ tầng sáng tạo khoa học công nghệ; định hướng xuất khẩu trong chính sách công nghiệp.
Nói riêng về các cách thức tài trợ cho đổi mới sáng tạo, có thể thông qua biện pháp đưa ra lãi suất ưu đãi và/hoặc vốn với trần lãi suất cho một số ngành quan trọng, bảo đảm rằng việc tài trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo có vị trí trung tâm. Cũng có thể thông qua các biện pháp kích thích tài chính và các khoản trợ cấp cho hoạt động nghiên cứu và phát triển dành cho các công ty. Đặc biệt, khuyến khích đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp.
Năng suất lao động là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu đối với quá trình phát triển của Việt Nam. Tại Ireland, chúng tôi đã tăng được năng suất lao động qua một số phương pháp có thể kể đến như đổi mới, giáo dục, tập huấn để tập trung vào một số ngành và khu vực, từ đó hiện đại hóa nền kinh tế.
Theo quan điểm của tôi, Việt Nam đang đứng trước một thời khắc quyết định trong việc cải tiến năng suất lao động. Điều này là vô cùng quan trọng bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, mà còn giúp sự phát triển trở nên bền vững và nó thực sự có tầm ảnh hưởng đến tất cả mọi người, không chỉ một tầng lớp nhất định trong xã hội. Vậy nên, tôi nghĩ việc giải quyết vấn đề này đồng thời với một cuộc hội đàm giữa các đối tác phát triển và Chính phủ bây giờ là vô cùng cần thiết.
Tôi thấy việc Việt Nam huy động nguồn vốn là vô cùng quan trọng. Nhưng quan trọng không kém cũng là việc Việt Nam sử dụng nguồn vốn đó một cách có hiệu quả. Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc sử dụng các nguồn vốn ODA và tôi nghĩ nếu chúng ta có thể giải quyết được những vướng mắc trong việc giảm tính quan liêu khi sử dụng nguồn vốn được cấp từ Chính phủ thì chúng sẽ đi được một bước đầu tiên rất quan trọng để sử dụng các nguồn vốn một cách hiệu quả.
Tiếp đó, tôi nghĩ việc tìm những nguồn vốn mới và những nguồn vốn từ khu vực tư nhân cũng quan trọng không kém. Để làm được điều đó, có rất nhiều điều kiện phải đạt được, như tính minh bạch và môi trường pháp lý tốt.
Bất kỳ một nền kinh tế nào, Chính phủ cũng cần thổi tinh thần khởi nghiệp đến từng người dân, từng DN. Chính sự tham gia của người dân, DN vào việc tạo ra các giá trị gia tăng cho xã hội thì đó mới là căn cơ, động lực cho phát triển bền vững. Việt Nam trong vài năm trở lại đây đã và đang làm được điều đó với việc tạo được động lực, thổi hồn cho các cá nhân, DN có ý tưởng khởi nghiệp, giúp họ sẵn sàng bỏ vốn ra thực hiện ý tưởng và mang lại những giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Với việc xác định Việt Nam là quốc gia khởi nghiệp, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách đối với phát triển DN nói chung, DN khởi nghiệp nói riêng. DN khởi nghiệp thường là những DN mới thành lập, họ thiếu đủ thứ từ kỹ năng quản trị, tài chính, thông tin thị trường… trong khi đó, thứ họ có duy nhất đó chính là ý tưởng và nhiệt huyết khi tham gia thị trường. Vì vậy, việc khơi thông dòng vốn cho khối DN này là một trong những vấn đề quan trọng. Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ đối với khối DN này nhiều hơn, đa dạng hơn nhằm giúp họ khởi nghiệp thành công.
Theo tôi quan sát, việc hỗ trợ tín dụng cho DN khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn là điều mới mẻ. Hiện hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của các quỹ tài chính đối với khối DN này chỉ đang dừng lại ở mức phong trào, chưa đi vào hỗ trợ thực tế, thiếu những mô hình điển hình. Do đó, thời gian tới, Chính phủ nên đưa thêm chức năng cho ngân hàng phát triển với việc mở rộng thêm đối tượng hỗ trợ là DN khởi nghiệp bên cạnh các đối tượng hỗ trợ xã hội trước đây.