“Đặc khu” cần cơ chế giám sát hiệu quả

(BĐT) - Tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm khi xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (ĐVHC-KTĐB). 
Chính sách ưu đãi về đất đai tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: Lam Thanh Sơn
Chính sách ưu đãi về đất đai tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: Lam Thanh Sơn

Theo các chuyên gia, tổ chức và hoạt động của CQĐP tại các “đặc khu” rất cần được giám sát, đặc biệt là giám sát của Quốc hội, để đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tránh lạm quyền.

Quốc hội giám sát tối cao tại “đặc khu”

Tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, Chính phủ đã đề xuất 2 phương án tổ chức CQĐP tại các ĐVHC-KTĐB, Theo đó, phương án 1 xác định CQĐP tại ĐVHC-KTĐB không phải là một cấp chính quyền. ĐVHC-KTĐB không phân định thành các ĐVHC cấp dưới (xã, phường, thị trấn) mà được tổ chức thành các khu hành chính. CQĐP theo phương án này gồm thiết chế Trưởng ĐVHC-KTĐB, các cơ quan chuyên môn trực thuộc và các Trưởng khu hành chính.

Phương án 2, tổ chức 1 cấp chính quyền tại ĐVHC-KTĐB gồm có HĐND và UBND. ĐVHC-KTĐB cũng không phân định thành các ĐVHC cấp dưới mà được tổ chức thành các khu hành chính có Văn phòng khu hành chính là cơ quan đại diện hành chính của UBND ĐVHC-KTĐB.

Theo quan điểm của GS. TS Phan Trung Lý, 2 phương án của Chính phủ trình Quốc hội đều có những ưu điểm và tồn tại cần cân nhắc. Cụ thể, phương án 1 có nhiều ưu điểm, đáp ứng yêu cầu tự chủ, tự chịu trách nhiệm của CQĐP, tuy nhiên phương án này còn lúng túng trong việc bảo đảm yêu cầu giám sát, kiểm tra và kiểm soát quyền lực.

Do đó, ông Phan Trung Lý đề nghị Chính phủ cần giải trình thuyết phục hơn về câu hỏi: “Khi ban hành Luật Tổ chức CQĐP, Quốc hội khóa XIII năm 2015 lại quy định tổ chức ĐVHC-KTĐB cấp CQĐP gồm có HĐND và UBND. Phải chăng, trong giai đoạn mới, mô hình tổ chức cấp CQĐP này đã không còn phù hợp với yêu cầu quản lý tập trung, điều hành quyết liệt, năng động, kiến tạo của CQĐP ở ĐVHC-KTĐB?”.

Bày tỏ quan điểm của mình, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, phương án 1 của Chính phủ còn một số hạn chế, thách thức khi Trưởng ĐVHC-KTĐB có thể lạm quyền, sai phạm hoặc ban hành quyết định không đúng đắn do không có HĐND hoặc cơ quan giám sát khác cùng cấp giám sát tại chỗ và thường xuyên, cũng như thiếu cơ chế xem xét, thảo luận tập thể. Phương án này đòi hỏi phải sắp xếp lại toàn bộ bộ máy cơ quan địa phương tại ĐVHC-KTĐB; đòi hỏi thời gian, quá trình xây dựng, nâng cao năng lực trình độ của Trưởng ĐVHC-KTĐB và các cơ quan chuyên môn giúp việc.

Do đó, ông Phúc kiến nghị, Trưởng ĐVHC-KTĐB và các cơ quan chuyên môn trực thuộc chỉ tổ chức 1 văn phòng giúp việc chung. Trung tâm hành chính công này cần được Trưởng ĐVHC-KTĐB ủy quyền trực tiếp giải quyết một số thủ tục đầu tư kinh doanh. Hoạt động của Trung tâm này cần được bảo đảm bằng các nguồn thu từ việc cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp (DN). Cần áp dụng mô hình, nguyên tắc quản trị DN trong cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư, DN tại ĐVHC-KTĐB. 

Xây dựng chính sách ưu đãi về đất đai

Cùng với tổ chức CQĐP thì chính sách ưu đãi về đất đai tại ĐVHC-KTĐB cũng là một nội dung được các chuyên gia và nhiều nhà đầu tư quan tâm. Chính sách đất đai được đưa ra trong Dự thảo Luật ĐVHC-KTĐB tập trung vào 3 chính sách đổi mới. Một là, thời hạn sử dụng đất được kéo dài tới 70 năm (theo pháp luật hiện hành là 50 năm), trong trường hợp được phép của Thủ tướng Chính phủ thì thời hạn được kéo dài tới 99 năm. GS. Đặng Hùng Võ nhận định, đổi mới này là cần thiết để tạo ưu đãi thực sự và tâm lý ổn định, đầu tư lâu dài, đầu tư dự án có quy mô của các nhà đầu tư.

Song, với quy định “cho phép các tổ chức kinh tế trong nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam”, ông Võ cho rằng, quy định như vậy chưa thực sự đầy đủ. Bởi, đất đai và tài sản gắn liền với đất là một đơn vị bất động sản thống nhất, không thể tách rời. Khi không trả được nợ thì người nhận thế chấp có thể sử dụng bất động sản đã thế chấp hoặc bán đấu giá tài sản thế chấp đó giống như quyền và nghĩa vụ của một người nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với đất ở tại Việt Nam.

Mặt khác, Dự thảo Luật quy định, tổ chức và cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo pháp luật về nhà ở có quyền chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng, mua, thuê mua, nhận tặng, cho, thừa kế và sở hữu nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở và dự án đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch tại ĐVHC-KTĐB, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng an ninh. Theo ông Võ, quy định này là phù hợp, song cần làm rõ các quyền giao dịch; đối tượng áp dụng, chỉ là căn hộ chung cư để ở và nhà ở riêng lẻ hay cả những bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư