Bước chuyển mới của ngành công nghiệp

(BĐT) - Năm 2018, ngành công thương đặt mục tiêu phát triển công nghiệp với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trên 9%. Mục tiêu cao được đưa ra dựa trên sự lớn mạnh của công nghiệp chế biến, chế tạo. 
Chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp với mức tăng trưởng ấn tượng 14,5%. Ảnh: Tiên Giang
Chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp với mức tăng trưởng ấn tượng 14,5%. Ảnh: Tiên Giang

Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng của ngành công nghiệp, phải chú trọng những giải pháp tăng năng suất, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong thời đại mới, nguồn nhân lực tốt của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh

Năm 2017, ngành công nghiệp tiếp tục ghi nhận những chuyển biến tích cực khi tăng trưởng của toàn ngành ở mức 9,4%, cao hơn nhiều so với mức 7,4% của năm 2016, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (tăng 7,1 - 8%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng ấn tượng 14,5%, trở thành động lực chính cho tăng trưởng chung của toàn ngành. Cùng với đó, tình hình tiêu thụ sản phẩm ngành công nghiệp diễn biến thuận lợi, tồn kho ở mức thấp so với nhiều năm qua. Tăng trưởng cao của ngành công nghiệp có sự đóng góp rất lớn của các địa phương như Bắc Ninh (tăng 37%), Thái Nguyên (tăng 18%), Hà Nội (tăng 7,1%)...

Mặt khác, cơ cấu ngành công nghiệp ngày càng có sự chuyển dịch rõ nét. Tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành. Khu vực công nghiệp ngoài nhà nước và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng khá nhanh cho thấy định hướng thu hút đầu tư công nghiệp của khu vực tư nhân đã có sự chuyển biến tích cực.

Báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 12 tháng năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm nhất của nhà đầu tư nước ngoài. Số liệu cho thấy, trong năm 2017, số vốn FDI “đổ” vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 15,87 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng đăng ký.

Nhìn vào số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới những năm gần đây, đặc biệt là năm 2017, bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo luôn thuộc top đầu.

Ngay trong những ngày đầu năm 2018, Công ty CP Thủy điện Long Tạo Điện Biên vui mừng thông báo, doanh nghiệp này vừa lựa chọn được nhà thầu thực hiện Gói thầu “LT.TB-02 Cung cấp, lắp đặt và thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị cơ khí thủy công” thuộc Dự án Nhà máy Thủy điện Long Tạo. Nhà thầu trúng thầu với giá trúng thầu gần 95 tỷ đồng, tiết kiệm tới hơn 21 tỷ đồng so với giá gói thầu. Ông Hoàng Hải Hưng, Trưởng phòng Kinh tế của Thủy điện Long Tạo Điện Biên cho biết, đơn vị trúng thầu là nhà thầu có uy tín, kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ khí thủy công. Hơn nữa, chất lượng các thiết bị thủy công của Việt Nam cũng không hề thua kém gì thiết bị nhập khẩu. Cũng theo ông Hưng, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm cơ khí của Nhà máy hiện là 70%. 

Doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo

Đặt vấn đề tự chủ trong hội nhập là yêu cầu hết sức quan trọng để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chính sách phát triển ngành công nghiệp quốc gia 2018 - 2030 cần tập trung theo hướng đồng bộ, trọng tâm, đột phá, hướng vào năng suất, chất lượng, hiệu quả để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để phát triển. Doanh nghiệp phải là trọng tâm của đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của phát triển công nghiệp hay công thương. Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển công nghiệp thời gian tới phải bám vào tăng năng suất, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong thời đại mới, nguồn nhân lực tốt của thời kỳ cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0…

Tại Hội nghị tổng kết ngành vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, trong năm 2018 sẽ đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu ngành gắn với triển khai mạnh mẽ và thực chất cuộc CMCN 4.0 trong lĩnh vực công thương. Trong đó, xác định trọng tâm tái cơ cấu ngành theo nguyên tắc chất lượng, lấy nguyên tắc nâng cao chất lượng, khả năng tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu làm tiêu chí cho quá trình này.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, năm 2018, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương rà soát cơ chế chính sách công nghiệp tác động đến từng ngành, sản phẩm, từ đó xây dựng hàng rào đối với sản phẩm nhập khẩu, hỗ trợ sản xuất trong nước, nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa trong ngành. Đồng thời, đẩy mạnh cải tiến công nghệ, chủ động tham gia tận dụng thành quả của CMCN 4.0 nhằm nâng cao năng suất, phát triển ngành công nghiệp mới.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư