Bộ trưởng Bộ Tài chính: Khó hoàn thành cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước năm 2018

Hết 6 tháng cả nước mới có 8 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa trong khi đó kế hoạch cả năm là ít nhất 85 doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với địa phương chiều 2/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước còn chậm, khó có khả năng đạt được kế hoạch đề ra năm 2018.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có 8 doanh nghiệp được các cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Theo kế hoạch, cả năm 2018 phải có ít nhất 85 doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn với giá trị doanh nghiệp là 29,4 nghìn tỷ đồng (trong đó, vốn nhà nước là 15,2 nghìn tỷ đồng).

Lũy kế từ khi bắt đầu chủ trương cổ phần hóa đến 31/12/2017, số vốn đã bán được chiếm khoảng 8% tổng số vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo ông Dũng, số vốn bán được như vậy quá ít.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương, bộ ngành tổng công ty khẩn trương xây dựng ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyêt phương án cổ phần hóa, đẩy nhanh tiến độ.

Về vấn đề ngân sách nhà nước 6 tháng, Bộ trưởng Dũng cho biết thu ngân sạch đạt 49,4%, tăng so với cùng kỳ. Trong đó các khoản thu nội địa (trừ đất, cổ phần hóa, cổ tức bán vốn, xổ số kiến thiết...) đạt 46,6% dự toán.

Thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank mới đạt 39% dự toán.

Thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) ngành viễn thông đạt 34,3% dự toán, ngành sản xuất thuốc lá đạt 44,9%, sản xuất bia đạt 44%, khai thác than 39,7%, sản xuất ô tô có vốn đầu tư nước ngoài nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đạt khoảng 36,8%.

Bộ trưởng Dũng cho rằng kết quả thu 6 tháng là tích cực nhưng nhìn chung các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh còn thấp. Ngân sách trung ương thu 6 tháng đạt 46,3%, cao hơn cao cùng kỳ năm 2017. Thu ngân sách địa phương đạt 54% dự toán, có 43/63 địa phương thu đạt tiến độ dự toán.

Người đứng đầu ngành tài chính nhận định chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, chính sách tiền tệ thắt chặt, việc tăng lãi suất, tăng kiểm soát nguồn tiền và tăng thuế của các nước sẽ có tác động đến kinh tế Việt Nam. Ở trong nước, việc tăng trưởng kinh tế chậm lại, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và giải ngân đầu tư công chậm... cũng sẽ ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế.

Chuyên đề