Siết quy định cho vay ngoại tệ

(BĐT) - Vay USD là một trong những giải pháp được các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu lựa chọn thay vì vay VND bởi lãi suất thấp, giảm thiểu chi phí, rủi ro tỷ giá. 
Ngân hàng Nhà nước dự kiến kéo dài cho vay USD ngắn hạn đến hết năm 2018 đối với doanh nghiệp có đủ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ. Ảnh: Quang Ngọc
Ngân hàng Nhà nước dự kiến kéo dài cho vay USD ngắn hạn đến hết năm 2018 đối với doanh nghiệp có đủ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ. Ảnh: Quang Ngọc

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, thời gian tới sẽ kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng theo hướng chỉ tập trung cho vay đối với DN hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên.

Cho vay để hỗ trợ xuất khẩu

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với doanh nghiệp (DN).

Theo Dự thảo Thông tư, NHNN dự kiến kéo dài cho vay USD ngắn hạn đến hết năm 2018 đối với DN có đủ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ. Tuy nhiên, tại thời điểm giải ngân, bên vay phải bán USD cho các ngân hàng thương mại để lấy VND mua nguyên liệu sản xuất hàng hóa.

NHNN cho biết, trong bối cảnh chênh lệch lãi suất cho vay bằng VND cao hơn lãi suất cho vay bằng ngoại tệ (khoảng 3%), việc cho vay bằng ngoại tệ với lãi suất thấp hơn giúp cho các DN xuất khẩu tiết kiệm chi phí vay vốn, góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Việc cho vay bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu giúp các tổ chức tín dụng có cơ hội quản lý và thu hút được nguồn ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu, khách hàng không bị rủi ro về tỷ giá.

Cũng theo NHNN, cần tiếp tục duy trì việc cho vay bằng ngoại tệ, tạo điều kiện cho các DN có thời gian tiếp cận dần với các sản phẩm phái sinh tỷ giá, lãi suất và giá cả hàng hóa để phòng ngừa rủi ro tỷ giá và rủi ro khác liên quan.

Từ năm 2012 đến nay, NHNN đã 2 lần "đóng cửa" cho vay ngoại tệ nhưng sau đó lại mở ra để tháo gỡ khó khăn cho DN xuất khẩu. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, đã nhiều lần NHNN muốn chấm dứt cho vay ngoại tệ nhưng do yêu cầu thực tế nên quy định này đã nhiều lần phải nới thời hạn cho đến nay. Thực tế, có những DN thuộc đối tượng ưu tiên, cần phải cho vay bằng ngoại tệ, tuy nhiên cũng có một số DN thực chất không có nhu cầu vay ngoại tệ, không thuộc nhóm cần được ưu tiên nhưng vẫn được hưởng chung sự ưu đãi của chính sách vay ngoại tệ.

“Điều này cho thấy cuộc chơi đang diễn ra theo cách không bình đẳng giữa những người kinh doanh. Do đó, quy định cho vay ngoại tệ sẽ được siết lại, không phải để như bây giờ. Trước mắt, sẽ phải siết lại một số đối tượng DN lợi dụng chính sách cho vay ngoại tệ. Đồng thời, dần dần cũng phải chuyển từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán ngoại tệ”, ông Tú nhấn mạnh. 

Chưa nên hạn chế cho vay

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, để kiểm soát những DN lợi dụng chính sách cho vay ngoại tệ để trục lợi, NHNN cần có quy định cụ thể, chứ không nên cấm tất cả DN vay. Ông Hiếu đề xuất, nên gia hạn chương trình vay ngoại tệ thêm 1 năm nữa vì hiện tại tỷ giá vẫn đang được duy trì ổn định.

Theo các DN, hiện nay, chênh lệch lãi suất giữa VND với USD còn quá lớn. Cụ thể, theo ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Kim Bôi, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với VND hiện dao động trong khoảng 8 - 10%/năm, trong khi lãi cho vay đối với đồng USD chỉ từ 3 - 5%/năm, tức là chi phí lãi vay bằng tiền đồng cao gấp đôi so với việc vay bằng ngoại tệ. Điều này sẽ tạo thêm gánh nặng cho DN, có thể khiến hàng hóa Việt khó có thể cạnh tranh được so với các đối thủ trong khu vực.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn dẫn chứng thêm, lãi suất đang áp dụng tại các ngân hàng hiện nay có thể chấp nhận được, tuy nhiên vẫn còn cao so với các DN trong khu vực. Cụ thể, nguồn vay trung hạn đang áp dụng tại các ngân hàng là 8 - 10%/năm đối với VND, trong khi khu vực chỉ từ 5 - 7%.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, giải pháp quan trọng hiện nay là phải giảm lãi suất VND về tương đương với lãi suất USD. Khi đó, DN sẽ nhận thấy vay USD có thể dẫn đến rủi ro về tỷ giá và tự động chuyển sang vay VND. Đây mới là thời điểm tốt nhất để NHNN chấm dứt cho vay ngoại tệ.

Chuyên đề