Người nghèo áp đảo vay tiêu dùng

(BĐT) - Hiện có một thực tế là khách hàng tiềm năng của loại hình cho vay lãi suất cao lại chủ yếu là những người có thu nhập thấp. Đối tượng khách hàng này đang trở thành "con mồi" của các công ty cho vay tài chính - nơi vốn có nhiều bẫy lãi suất "cắt cổ" nhất.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Bẫy lãi suất “cắt cổ”

Thống kê của Home Credit - một trong những "ông lớn" cho vay tài chính tiêu dùng có thị phần dẫn đầu tại Việt Nam cho thấy, hầu hết khách hàng vay tiền công ty tài chính là công nhân, lao động phổ thông và nông dân. Trong khi đó, tỷ lệ dân văn phòng chỉ 8%, kỹ thuật viên 6% và những người làm kinh doanh khoảng 11%.

Thống kê về trình độ học vấn cũng cho hay, 80% khách hàng vay tiền mặt có trình độ phổ thông. Độ tuổi trung bình của khách hàng vay vốn là 32,5 tuổi và 70% người vay đều đã có gia đình.

Xung quanh các khu công nghệ, khu chế xuất ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Bắc Ninh... hiện nay, tờ rơi quảng cáo cho vay tài chính tiêu dùng luôn ngập tràn. Những người tìm đến vay lãi suất cao thường là không có tài sản, sống xa quê và đặc biệt là hoàn toàn thiếu kỹ năng quản lý tài chính cá nhân cũng như quan hệ tín dụng. Do đó, không ít trường hợp chỉ ngã ngửa sau khi đã thực hiện hợp đồng được 1 tháng.

Tại một hội thảo gần đây, ông Hồ Tùng Bách thuộc Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đề cập tình trạng "treo đầu dê bán thịt chó" của các công ty tài chính khi quảng cáo, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng. Ông Bách kể, nhiều trường hợp nhân viên tư vấn ngọt ngào nói lãi suất chỉ vài ba phần trăm một tháng, điều kiện vay dễ nhưng thực tế lại khác “một trời một vực”. “Lãi suất không phải 2-3% một tháng, mà gấp đôi", ông Bách nói.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nhìn nhận, lý do người nghèo - những người dễ bị tổn thương về mặt tài chính nhất - thích tìm đến vay lãi suất cao ngất đơn giản vì họ khó tiếp cận ngân hàng. Thực tế, các ngân hàng chủ yếu vẫn không muốn rủi ro cao nên thường duy trì chính sách "hớt váng" - chọn những khách hàng tốt nhất ở phía trên “cốc sữa” để có lợi nhuận cao, rủi ro thấp.

Quy mô cho vay tài chính tiêu dùng của Việt Nam đã tăng gần gấp rưỡi, lên 15,12 tỷ USD trong năm 2015, theo thống kê của StoxPlus. Điều này cũng hé lộ thị trường này đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt. Đồng nghĩa với nó là những lời quảng cáo “có cánh" và những "bẫy" tín dụng sẽ được giăng nhiều hơn.

Cách nào né “bẫy” vay tài chính tiêu dùng?

Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, 6 điểm then chốt trong hợp đồng người vay cần phải đặc biệt lưu ý khi vay tiền là số tiền vay và cách thức giải ngân, mức tiền trả góp hàng tháng, lãi suất tiền vay, phương thức tính toán thu lãi tiền vay, phí phạt chậm trả, phí phải trả khi tất toán hợp đồng vay trước thời hạn.

Riêng về lãi suất, người vay cũng cần phân biệt 2 cách tính lãi khác nhau để tự đánh giá mức lãi suất được mời chào có đủ hấp dẫn không. Một là, lãi suất trên dư nợ gốc được tính trên số tiền vay ban đầu trong suốt thời hạn vay. Với cách này, lãi suất danh nghĩa thường thấp, nhưng tổng số tiền lãi phải trả trong suốt thời gian vay lại rất lớn.

Hai là, lãi suất trên dư nợ giảm dần, chỉ tính trên số tiền thực tế còn nợ, sau khi đã trừ đi phần tiền gốc đã trả trong các kỳ trước đó. Do chỉ phải trả số tiền lãi trên số tiền thực tế mà mình sử dụng nên cách này người vay sẽ có lợi hơn khi thỏa thuận với các ngân hàng.

Chuyên đề