4 kiểu trả lời cổ đông “như sách” của sếp ngân hàng

(BĐT) - Bất kể câu hỏi của cổ đông có gai góc và dốc hết ruột gan đến đâu thì câu trả lời của các sếp ngân hàng lại luôn giống hệt nhau hết năm này qua năm khác, như thể được họ lấy từ cùng một quyển giáo trình.
Đa phần cổ đông nhỏ lẻ tỏ ra ấm ức về chuyện ngân hàng không chịu trả cổ tức. Ảnh: An Na
Đa phần cổ đông nhỏ lẻ tỏ ra ấm ức về chuyện ngân hàng không chịu trả cổ tức. Ảnh: An Na

Nhiều cổ đông ngân hàng cho biết, họ đã thuộc lòng các câu trả lời của lãnh đạo trong mỗi cuộc họp Đại hội cổ đông với một số câu hỏi kinh điển. 

Vì sao ngân hàng nhiều năm liền không trả cổ tức?

Tại Đại hội cổ đông của Techcombank, Maritime Bank... những năm gần đây liên tục "nóng" với những câu hỏi chất vấn chuyện cổ tức do chính sách không chia lợi nhuận trong nhiều năm. Như tại cuộc họp của Techcombank năm nay, một cổ đông đứng lên chê thẳng lãnh đạo ngân hàng "làm vậy là không được", "coi thường và bỏ quên cổ đông" khi cố tình nhiều năm không chia cổ tức dù lợi nhuận vẫn còn hàng nghìn tỷ đồng.

Thế nhưng, trước những lời trách móc, phê phán nặng nề, Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh vẫn từ tốn giải thích với lập luận mà ông từng áp dụng như mọi năm. "Tôi cũng là một cổ đông. Nếu không chia thì tôi cũng không được gì, và những gì còn lại vẫn nằm ở giá trị cổ phiếu chứ trong ngân hàng không ai rút một đồng nào của các cổ đông cả".

Tương tự, mẫu câu "tôi cũng là cổ đông" này cũng được nhiều lãnh đạo nhà băng khác áp dụng khi bị "truy" về chuyện cổ tức. Và sau tất cả, các cổ đông lớn của ngân hàng vẫn nói không với cổ tức và để lại sự ấm ức không nhỏ cho các cổ đông khi ra về.

Tại sao không trả cổ tức bằng tiền mặt?

Năm nào cổ đông cũng hỏi và lần nào cũng nhận được câu trả lời y hệt nhau. Tuy nhiên, ngày cổ phiếu được niêm yết không những chưa đến mà giá cổ phiếu còn tiếp tục giảm và cơ hội để giải phóng những cổ phiếu cổ tức "0 đồng" này vẫn ngày một xa vời.
Khi bị "truy" câu hỏi này, phần lớn lãnh đạo ngân hàng sẽ dẫn ra một loạt chỉ số tài chính cũng như quy định về an toàn của Ngân hàng Nhà nước để cho thấy nhà băng cần tăng vốn hơn là "phá kho thóc". Như tại mùa ĐHCĐ năm 2015, khi bị "truy" cổ tức gay gắt bởi các cổ đông lớn tuổi, Chủ tịch VPBank cũng nhắc tới lý do không được chia cổ tức tiền mặt một phần do định hướng của Ngân hàng Nhà nước "nhằm tăng cường năng lực tài chính". Năm 2016, các nhà băng khác cũng áp dụng lại "bài" tương tự này.

Tuy nhiên, cũng có những vị lãnh đạo trả lời khéo léo hơn như ông Lê Đức Thọ - Tổng giám đốc VietinBank. Vị này cho biết, trước áp lực phải tăng vốn, ngân hàng sẽ cố gắng để tăng bằng chính lợi nhuận làm ra và trong trung hạn, sẽ làm sao để hạn chế thấp nhất việc cổ đông phải bỏ thêm tiền đầu tư.

Bao giờ ngân hàng mới niêm yết cổ phiếu?

Vì cổ phiếu chưa niêm yết nên tính thanh khoản thấp, nhiều cổ đông muốn bán (dù bán rẻ) để lấy tiền gửi ngân hàng hưởng lãi cũng không được. Do đó, đây là câu hỏi thường trực của mọi cổ đông nhỏ lẻ đang nắm giữ những cổ phiếu cổ tức “0 đồng”.

Tuy nhiên, hầu hết các lãnh đạo ngân hàng, từ Maritime Bank đến Techcombank hay VPBank, PGBank... cũng đều có câu trả lời giống hệt nhau là "đang xem xét làm thủ tục" hoặc "có kế hoạch năm sau", "thời điểm này chưa phù hợp".

Năm nào cổ đông cũng hỏi và lần nào cũng nhận được câu trả lời y hệt nhau. Tuy nhiên, ngày cổ phiếu được niêm yết không những chưa đến mà giá cổ phiếu còn tiếp tục giảm và cơ hội để giải phóng những cổ phiếu cổ tức "0 đồng" này vẫn ngày một xa vời.

Tại sao...?

Bên cạnh đó, ông chủ các nhà băng còn có những câu trả lời là mẫu số chung cho... mọi câu hỏi. "Câu hỏi này tôi sẽ trả lời riêng cho bạn bằng văn bản" hoặc "Mời bạn gặp riêng tôi, tôi sẽ dành thời gian trả lời bạn" là cách mà Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển cũng như Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà vẫn hay áp dụng để trả lời một số chất vấn của cổ đông.

Tuy nhiên, dù được trả lời theo cách nào, hầu hết các cổ đông nhỏ lẻ đi dự ĐHCĐ vẫn không tránh khỏi tâm lý tự ti và ấm ức sau khi ra về. Một cổ đông 70 tuổi đã đầu tư 3 tỷ đồng vào cổ phiếu một nhà băng chưa niêm yết suốt 6 năm nay tâm sự: "Dẫu biết họ muốn không chia cổ tức là sẽ không chia bởi số cổ phiếu của các lãnh đạo đủ lớn để quyết định nhưng mà không đặt câu hỏi thì chúng tôi vô cùng bức xúc. Mà hỏi xong, nhận câu trả lời thì lại càng khó chịu hơn".

Chuyên đề