Quản trị DNNN cần rõ ràng trong phân công trách nhiệm, đảm bảo công khai, minh bạch. Ảnh: Nhật Bắc |
Vấn đề trong thời gian tới là cải thiện việc thực thi các quy định của Nhà nước trong quản trị doanh nghiệp (DN), áp dụng Chỉ số hoạt động chính (KPI) trong hoạt động của DNNN.
Nhiều điểm nghẽn
Quá trình tái cơ cấu DNNN vẫn chưa được như mong muốn không chỉ ở việc sắp xếp, cổ phần hóa DNNN chưa đạt kế hoạch đề ra, mà còn do các DNNN khi sắp xếp lại, cổ phần hóa, chuyển đổi sang công ty TNHH MTV chưa có sự đổi mới thực chất về quản trị kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn yếu.
Theo TS. Nguyễn Văn Khách - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc quản trị DNNN được thực hiện theo 1 luật (Luật DN 2014) và 4 nghị định (Nghị định 99/2012/NĐ-CP; Nghị định 25/2010/NĐ-CP; Nghị định 131/2018/NĐ-CP; Nghị định 151/2013/NĐ-CP). Các luật, nghị định trên đã quy định trách nhiệm, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trong việc quản lý, giám sát đối với DNNN.
Ngoài ra, hoạt động của DNNN còn phải tuân thủ các quy định quản trị khác về cơ chế tài chính đối với DNNN, quy định về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN, quy định về giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi các quy định nêu trên, TS. Nguyễn Văn Khách cho rằng, bộ máy quản lý, điều hành DNNN vẫn còn một số tồn tại, chưa đáp ứng yêu cầu trong quản trị DN; cơ chế giám sát, đánh giá hoạt động của hội đồng quản trị (HĐQT), hội đồng thành viên (HĐTV) tại DNNN có hạn chế.
Đơn cử, trong các DNNN mà quyền sở hữu chi phối vẫn thuộc Nhà nước, người đại diện vốn nhà nước tại HĐQT chỉ đại diện theo nhiệm kỳ nên khó có định hướng chiến lược phát triển dài hạn cho DN, trong khi yêu cầu thấp về trách nhiệm giải trình.
Tại một số DNNN, người đại diện vốn nhà nước vừa kiêm nhiệm là chủ tịch HĐQT, vừa là tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của DN, điều này dẫn đến tập trung quyền lực, rủi ro lạm dụng quyền lực để thu lợi cho bản thân hoặc người có liên quan.
Bên cạnh đó, ban kiểm soát DNNN chưa phát huy được vai trò, phần lớn thành viên của ban kiểm soát không phải là thành viên độc lập, bị chi phối bởi các thành viên HĐQT, thiếu chuyên môn và kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ giám sát.
Ông Hoàng Trường Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp thuộc Ban Kinh tế trung ương nhận định, hiện Việt Nam có 2 điểm nghẽn trong quản trị DNNN, đó là sự thực chất trong quyết định của HĐQT và HĐTV với giám đốc điều hành; các giám đốc điều hành này phải được thông qua hợp đồng lao động và có mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng trong hợp đồng đó để thực hiện mục tiêu, chiến lược phát triển của DNNN khi được HĐQT, HĐTV giao.
TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế - bày tỏ quan điểm, quản trị DN tại Việt Nam có nhiều bất cập, trong đó có việc thiếu những vấn đề cơ bản khác trong quản trị, đó là tính công khai, minh bạch, trách nhiệm rõ ràng, hệ thống thông tin quản lý, vai trò của ban kiểm soát/kiểm toán nội bộ vẫn còn nhiều tồn tại.
Tuân thủ các vấn đề cốt lõi trong quản trị DN
Với các điểm nghẽn trong quản trị DN, ông Hoàng Trường Giang cho rằng, cần phải xác định và phân định rõ quyền chủ sở hữu, HĐQT/HĐTV và quyền điều hành của ban giám đốc DN. Chủ tịch HĐTV/HĐQT phải độc lập với giám đốc điều hành; phải có quyền chỉ định và bãi nhiệm giám đốc điều hành trên thực tế.
TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, phải tuân thủ các vấn đề cốt lõi trong quản trị DN, trong đó có HĐQT hiệu quả, cơ cấu quản lý thích hợp, cơ chế, chính sách, quy trình đầy đủ, rõ ràng; tăng cường vai trò, hiệu quả của ban kiểm soát, các ủy ban thuộc HĐQT, kiểm toán nội bộ; cần có chiến lược và quản lý rủi ro tốt.
Quản trị DN cũng cần rõ ràng trong phân công trách nhiệm. Theo đó, HĐQT có vai trò định hướng, giám sát hoạt động hơn là điều hành; các ủy viên HĐQT độc lập phải thực sự độc lập; ủy ban kiểm toán chỉ định và xem xét công việc của công ty kiểm toán, đồng thời giám sát kiểm toán nội bộ và sổ sách chứng từ kế toán.
Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần đảm bảo minh bạch trong quản trị như: phát hành báo cáo thường niên, công bố các báo cáo tài chính, báo cáo kết quả hoạt động đúng hạn; các nhà đầu tư có thể tiếp cận các cấp quản lý, nâng cao vai trò và hiệu quả của bộ phận quan hệ nhà đầu tư.
Một chuyên gia khác cho rằng, cần cải thiện việc thực thi các quy định của Nhà nước trong quản trị DN, áp dụng KPI trong hoạt động của DNNN với các chỉ số đo lường hiệu suất, giúp DN định hình và theo dõi quá trình tăng trưởng so với mục tiêu đề ra.