Thiếu cơ chế cho tăng trưởng xanh

(BĐT) - Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (TTX) của Việt Nam được Chính phủ phê duyệt từ năm 2012 và Kế hoạch hành động đã được ban hành năm 2014. Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai Chiến lược còn gặp không ít khó khăn, doanh nghiệp (DN) dù muốn nhưng cũng phải “lắc đầu”.
Việt Nam có nhiều chính sách riêng lẻ đề cập đến tăng trưởng xanh nhưng vẫn thiếu tiêu chí cụ thể để lồng ghép trong thực hiện. Ảnh: Huấn Anh
Việt Nam có nhiều chính sách riêng lẻ đề cập đến tăng trưởng xanh nhưng vẫn thiếu tiêu chí cụ thể để lồng ghép trong thực hiện. Ảnh: Huấn Anh

Chuyển biến nhưng còn hạn chế

Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược TTX của Việt Nam và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014 - 2020 tại Hội thảo Tham vấn báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện chiến lược TTX Việt Nam tổ chức sáng ngày 24/1, nhiều ý kiến khẳng định, Việt Nam đã đạt được những tín hiệu khả quan bước đầu.

Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, hiện đã có 34 tỉnh, thành phố xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động TTX cấp tỉnh, thành phố. Ngoài ra, 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện lồng ghép khía cạnh đầu tư TTX trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch hành động biến đổi khí hậu. Công tác hoàn thiện khung thể chế nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế phù hợp với Chiến lược TTX đã được các bộ, ngành tiến hành. Nhiều nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước đã quan tâm đến sản xuất, kinh doanh xanh.

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, song tại Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2013 - 2017 do Bộ KH&ĐT đưa ra tại Hội thảo cho thấy, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm túc trong quá trình thực hiện Chiến lược. Nhiều địa phương xây dựng kế hoạch hành động TTX theo cách chỉ lập ra cho đủ, chứ không có những hoạt động cụ thể, thiết thực. Nguyên nhân là do cơ chế chính sách hướng dẫn thực hiện TTX còn hạn chế, nhiều chính sách mang tính định hướng chung, chưa định hướng cụ thể và chi tiết để thực hiện được ngay. Do vậy, TTX chưa kích thích được nhiều DN và người dân tham gia.

Nhìn ở góc độ thu hút nguồn vốn đầu tư thực hiện Chiến lược TTX, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… đều lên tiếng rằng, TTX chưa hấp dẫn nhiều nhà đầu tư tư nhân. Các chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực TTX như hỗ trợ vốn, đất đai, miễn giảm thuế, phí còn chưa cụ thể nên chưa thu hút được các thành phần kinh tế đầu tư lớn. 

“Chìa khóa” nào thúc đẩy áp dụng tăng trưởng xanh?

Để Chiến lược TTX đạt được những kết quả tích cực hơn nữa nhằm sớm đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, các chuyên gia kinh tế cho rằng, sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách cho TTX là một trong những giải pháp cần được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới.

Theo ông Vũ Chí Dũng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các nhà đầu tư chỉ thực sự muốn đầu tư vào nơi nào họ thực sự tin tưởng, môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch. Vì vậy, vấn đề hoàn thiện thể chế cho TTX là rất cần thiết, từ đó việc thu hút nguồn vốn cho thực hiện Chiến lược TTX sẽ dễ dàng hơn. Đồng tình với quan điểm cần sớm hoàn thiện thể chế, chính sách cho TTX, ông Nguyễn Quang Hùng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, thực tế Việt Nam có nhiều chính sách riêng lẻ có đề cập đến TTX thể hiện trong nhiều đạo luật khác nhau như: Luật Thủy sản, Luật Thủy lợi…, nhưng chúng ta vẫn thiếu tiêu chí để lồng ghép TTX trong quá trình thực hiện. Góp ý thêm cho Báo cáo trên, ông Hùng chỉ ra một điểm đáng lưu ý: “Báo cáo vẫn bỏ sót phần đánh giá về nguồn lực con người cho TTX và thể chế để nâng cao chất lượng nguồn lực này thời gian tới ra sao?”.

Liên quan đến vấn đề thuế, phí đối với DN tham gia đầu tư cho TTX, ông Lê Đức Chung thuộc Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ KH&ĐT nhìn nhận, để hút được DN tham gia đầu tư cho TTX thì ngành tài chính nên tích cực tìm giải pháp ưu đãi DN thông qua chính sách thuế, phí.

Chuyên đề