Các dự án xanh thường có tổng mức đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài. Ảnh: Lê Tiên |
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc tiếp tục ban hành hệ thống pháp lý tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho DN là chưa đủ. Điều quan trọng là chính sách khuyến khích, hỗ trợ tài chính cho DN cần thông thoáng hơn.
Nguồn lực chỉ đảm bảo 1/3 nhu cầu
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), huy động nguồn lực thực hiện các mục tiêu trong chiến lược TTX đến năm 2020 ước tính cần khoảng 30 tỷ USD. Tuy nhiên, nguồn đầu tư của Chính phủ hiện nay mới có thể đảm bảo được 1/3 nhu cầu. Vì vậy, việc huy động nguồn lực đầu tư cho TTX đang là nhu cầu cấp thiết để thúc đẩy quá trình thực hiện phát triển kinh tế xanh.
Ông Lê Đức Chung, đại diện nhóm chuyên gia của Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, tỷ lệ tín dụng xanh hiện vẫn ở mức thấp, chỉ từ 1,6 - 1,7% trong tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Kết quả rà soát từ các nhà tài trợ quốc tế cho thấy, tổng giá trị tài trợ qua các chương trình TTX chỉ khoảng 440 triệu USD, vốn vay ODA khoảng 420 triệu USD và viện trợ không hoàn lại là 15,5 triệu USD.
Trong khi thiếu vốn cho đầu tư TTX, các DN (gồm cả DN nhà nước và DNTN) còn khá thận trọng khi đầu tư vào các lĩnh vực này do nhiều chính sách chưa đủ sức thúc đẩy DN tham gia. Cách tiếp cận giữa tư nhân và cơ quan quản lý các cấp chưa tìm được tiếng nói chung khi chưa thấy được TTX sẽ mang lại ích lợi lâu dài cho quốc gia, tỉnh, địa phương, ngành thay vì các mục tiêu trong ngắn hạn.
Giải pháp tài chính nào cho doanh nghiệp?
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Giám đốc Ban Khách hàng DN nhỏ và vừa thuộc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, thực tế trong thời gian qua, BIDV đã thực hiện được dư nợ tín dụng xanh đạt 2 tỷ USD, mức tăng dư nợ tín dụng xanh hàng năm khoảng 18 - 20%, tập trung vào các lĩnh vực như sản xuất điện năng, năng lượng tái tạo, cấp thoát nước, chống ngập, nông nghiệp công nghệ cao…
Để thẩm định cho DN vay, BIDV phải đánh giá các rủi ro liên quan đến dự án, phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng, bao gồm các đánh giá tác động của dự án đến môi trường, xã hội, thẩm định yếu tố rủi ro về môi trường và an sinh xã hội của dự án. Do là đối tượng ưu tiên, nên các dự án/DN thuộc lĩnh vực tín dụng xanh thường được hưởng lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất thương mại thông thường.
Song, do các dự án xanh thường có tổng mức đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài, giá thành sản xuất cao, sản phẩm của dự án đầu tư xanh thường có giá bán cao hơn thông thường nên kén thị trường đầu ra… Việt Nam cũng chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể về tín dụng xanh để khuyến khích ngân hàng tham gia tài trợ…
Do đó, ông Kiên đề xuất, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn về môi trường cụ thể cho các ngành nghề, lĩnh vực để hệ thống ngân hàng có đủ căn cứ trong thẩm định đánh giá tác động về môi trường, xã hội; các công cụ khuyến khích ngân hàng thương mại cùng tham gia hỗ trợ phát triển tín dụng xanh. Ngoài ra, Chính phủ cần tìm kiếm và có chiến lược phát triển các nguồn vốn hỗ trợ các dự án xanh ngoài nguồn vốn tín dụng ngân hàng như vốn tài trợ TTX từ các tổ chức tài chính quốc tế, thành lập Quỹ tín dụng xanh, huy động vốn hỗ trợ các dự án xanh thông qua phát hành trái phiếu xanh.
Trong khi đó, ở phía doanh nghiệp, ông Vũ Văn Hải, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đồng Tâm chia sẻ, khi thực hiện Dự án Cải tạo lò gạch tuynel, Công ty đã nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình Hỗ trợ đầu tư xanh của Đan Mạch với sự hỗ trợ tài chính (bảo lãnh tín dụng 50% giá trị khoản vay, giá trị bảo lãnh 1,5 tỷ đồng), tương đương với sự trả thưởng theo mức tiết kiệm năng lượng thực tế của dự án là 41,25% (giá trị trả thưởng là 558 triệu đồng). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Công ty vẫn còn gặp nhiều bỡ ngỡ trong việc tuân thủ các quy trình đề nghị hỗ trợ và thực hiện dự án theo quy định của nhà tài trợ và ngân hàng cho vay. Cụ thể, cách đánh giá rủi ro của ngân hàng đối với loại dự án đầu tư về tiết kiệm năng lượng còn khó khăn. Ngân hàng cũng chưa đánh giá hết được tiềm năng của dự án đầu tư về tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, tài sản bảo đảm mà các ngân hàng đòi hỏi DN phải thực hiện cam kết còn quá lớn so với khoản vay thực tế của DN. Điều này cản trở DN tiếp cận vốn trong quá trình đầu tư các dự án tiết kiệm năng lượng.