Kết nối doanh nghiệp điện tử để thoát “kiếp gia công”

(BĐT) - Ngành điện tử của Việt Nam xuất khẩu với kim ngạch lớn, nhưng thực tế là chủ yếu từ khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các DN điện tử trong nước vẫn chủ yếu là gia công. Thúc đẩy liên kết giữa hai khối DN này, chắc chắn trong tương lai ngành công nghiệp điện tử sẽ thực sự phát triển mạnh.
Có ít DN trong nước mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất theo chiều sâu. Ảnh: Hà Thanh
Có ít DN trong nước mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất theo chiều sâu. Ảnh: Hà Thanh

Doanh nghiệp điện tử ngoại lấn lướt

Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), sau 4 năm thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã có bước phát triển đột phá. Công nghiệp điện tử là một trong 6 nhóm ngành có tăng trưởng cao trong các nhóm ngành công nghiệp được lựa chọn, đóng góp lớn cho xuất khẩu, giải quyết việc làm.

“Nếu khoảng năm 2008, kim ngạch xuất khẩu điện tử chỉ khoảng 600 triệu USD thì nay đã lên tới hàng chục tỷ USD. Riêng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp điện tử dự kiến khoảng 70 tỷ USD, chiếm khoảng ¼ tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay”, bà Tuệ Anh cho biết.

Bên lề Hội thảo kết nối trong phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam do CIEM tổ chức ngày 28/11, ông Bang Hyun Woo, Phó Tổng giám đốc Công ty Samsung Việt Nam cho biết, năm 2017, DN này có thể đạt doanh thu trên 50 tỷ USD.

Ngành công nghiệp điện tử tăng trưởng mạnh, tuy nhiên, bà Tuệ Anh đánh giá, các DN điện tử xuất khẩu chủ yếu là các DN FDI, các DN trong nước vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp. Đồng tình với quan điểm này, ông Bùi Bài Cường thuộc Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông bổ sung, dù có quy mô xuất khẩu lớn thứ 12 thế giới nhưng giá trị đóng góp của các DN trong nước rất hạn chế.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hương thuộc Hiệp hội DN điện tử Việt Nam cho biết, hầu hết các DN Việt Nam chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công mà chỉ có số ít DN mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất theo chiều sâu. Trong khi đó, họ lại đang gặp khó khăn, so với các DN FDI thì các DN điện tử trong nước hầu như không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ từ phía Chính phủ về đất đai, thuế… Ở một số DN có đầu tư nghiên cứu về khoa học công nghệ để sản xuất thiết bị điện tử, công nghệ thông tin lại khó khăn do phía đầu ra. Cụ thể là liên quan đến mua sắm của các DN nhà nước và đơn vị nhà nước, DN nội thường bị loại do hồ sơ mời thầu có một số yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm hoặc đã mặc nhiên loại bỏ DN sản xuất trong nước. 

Xuất hiện những điểm sáng mới

Không quá bi quan về tính mất cân đối trong bức tranh xuất khẩu ngành công nghiệp điện tử, bà Hương cho biết, quá trình phát triển phải có từng nấc thang một, chúng ta không nên đốt cháy giai đoạn. Theo bà Hương, trong thời gian gần đây, các DN điện tử trong nước và DN FDI đang tìm hướng xích lại gần nhau.

Ông  Bang Hyun Woo cho hay, năm 2014 chỉ có 4 DN Việt Nam là nhà cung ứng cho Samsung, nhưng đến nay con số này lên tới gần 30 DN. Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của Samsung tại Việt Nam cũng lên tới 57% và tỷ lệ này đang được tăng lên. Trong thời gian tới, Samsung cũng đẩy mạnh các hoạt động nhằm mở rộng sự hỗ trợ hơn nữa giúp các DN trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của Tập đoàn như: tổ chức hội thảo tư vấn DN; xây dựng các nhóm DN tiềm năng…

Song, để các DN điện tử Việt Nam thực sự thoát được “kiếp gia công”, hầu hết các ý kiến tại Hội thảo đề xuất nhiều giải pháp đẩy mạnh liên kết giữa hai khối DN này, tạo đòn bẩy phát triển DN trong nước. Theo đề xuất của bà Hương, Chính phủ cần khuyến khích, hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các DN điện tử nội liên kết với DN FDI ngay từ khi họ xây dựng kế hoạch đầu tư ở Việt Nam; các DN nội cũng cần chủ động đầu tư các công nghệ phù hợp, chọn lộ trình thích hợp để chủ động liên kết với đối tác ngoại. Một số ý kiến khác cho rằng, xây dựng cơ chế hỗ trợ DN công nghệ thông tin nói chung và công nghiệp điện tử nói riêng, nhất là các DN startup..., Việt Nam cần có chính sách phù hợp nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, hàm lượng trí tuệ cao…

Chuyên đề