Thủ tướng chấn chỉnh công tác đấu thầu

(BĐT) - Nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về đấu thầu, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 47/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước (CT47).
Thủ tướng chấn chỉnh công tác đấu thầu

Yêu cầu đảm bảo công khai, minh bạch

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị chủ đầu tư, bên mời thầu phải thực hiện nghiêm túc các trách nhiệm của mình, bảo đảm tổ chức lựa chọn nhà thầu hiệu quả, nhanh chóng theo đúng quy định. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người có thẩm quyền chỉ đạo chủ đầu tư, bên mời thầu, cơ quan thẩm định thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về đấu thầu. Nghiêm cấm việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào quá trình lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư/bên mời thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu...

Thời gian qua, Báo Đấu thầu đã tiếp nhận phản ánh của nhà thầu và bạn đọc về nhiều vụ việc có các dấu hiệu sai phạm trong công tác đấu thầu, phổ biến là tình trạng né tránh bán hồ sơ mời thầu (HSMT); cài cắm tiêu chí trong HSMT để tạo thuận lợi cho nhà thầu “ruột”, hạn chế sự tham gia của các nhà thầu lạ; cản trở nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT)…

Tại CT47, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, bên mời thầu phải đảm bảo công khai, minh bạch toàn bộ quá trình phát hành HSMT/hồ sơ yêu cầu (HSYC), tiếp nhận HSDT/hồ sơ đề xuất (HSĐX); nghiêm cấm mọi hành vi cản trở nhà thầu trong việc mua HSMT/HSYC và nộp HSDT/HSĐX; quán triệt và tập trung chỉ đạo chấn chỉnh ngay công tác đấu thầu bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả cao nhất. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, bên mời thầu phải công khai thông tin trong đấu thầu. Cụ thể, thực hiện nghiêm túc việc công khai thông tin trong đấu thầu theo đúng quy định. Để bảo đảm công khai, minh bạch tối đa các thông tin trong công tác đấu thầu gắn với trách nhiệm của bên mời thầu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư, bên mời thầu tự đăng tải các thông tin thuộc trách nhiệm của mình theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Các thông tin này sẽ được tự động trích xuất, đăng tải trên Báo Đấu thầu.

Liên quan đến các nội dung nêu trên, thời gian qua, Báo Đấu thầu đã phát hiện và có nhiều bài viết phản ánh tình trạng không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; không công khai đầy đủ hoặc nhập nhèm địa chỉ phát hành HSMT, không công khai số điện thoại liên hệ phát hành HSMT dẫn đến nhiều khó khăn cho nhà thầu trong quá trình tiếp cận HSMT. Bên cạnh đó, Báo Đấu thầu liên tục phản ánh và cảnh báo tình trạng không tuân thủ quy định về công bố thông tin đấu thầu.

Không cho phép chỉ định thầu những gói không đủ điều kiện

Đặc biệt, tại CT47, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Tuyệt đối không cho phép chỉ định thầu với những gói thầu không đủ điều kiện. Chỉ thị nêu rõ: “Tuyệt đối không cho phép chỉ định thầu đối với những gói thầu không đáp ứng điều kiện tại Điều 22 Luật Đấu thầu, đồng thời chủ động đề xuất các hình thức lựa chọn nhà thầu có tính cạnh tranh hơn đối với những gói thầu có thể chỉ định thầu nhưng áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác sẽ hiệu quả hơn”.

Tình trạng “vận dụng” quy định của pháp luật về đấu thầu để chỉ định thầu hoặc áp dụng Điều 26 Luật Đấu thầu cho các trường hợp đặc biệt mà thực ra là một sự “lòng vòng” để rồi chỉ định thầu những gói thầu lớn không thuộc trường hợp được chỉ định thầu đã được Báo Đấu thầu phản ánh qua nhiều bài viết. Báo Đấu thầu cũng đã phản ánh hàng loạt trường hợp chỉ định thầu hoặc chỉ có 1 nhà đầu tư lọt qua bước sơ tuyển tại các dự án PPP để rồi được chỉ định thầu khiến dư luận nghi ngại, bức xúc.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị quản lý công tác đấu thầu tại bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải đảm bảo thực hiện tốt trách nhiệm kiểm tra, giám sát, bảo đảm yêu cầu chất lượng hoạt động đấu thầu, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm những hành vi vi phạm; chú trọng kiểm tra đối với những gói thầu quy mô lớn, phức tạp, các gói thầu không nằm trong hạn mức nhưng áp dụng chỉ định thầu hoặc các gói thầu có nhiều kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra thường xuyên, chuyên sâu về công tác đấu thầu; thường xuyên nắm bắt các thông tin, phản ánh, kiến nghị về các hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu để kịp thời xác minh, xử lý.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chịu trách nhiệm toàn diện đối với hiệu quả công tác quản lý về đấu thầu; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc giải quyết triệt để, khẩn trương các kiến nghị; thường xuyên nắm bắt thông tin, tổ chức kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.

Bộ trưởng các bộ, người đứng đầu các ngành; Chủ tịch UBND các cấp; người đứng đầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp để xảy ra vi phạm trong quản lý theo thẩm quyền.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư