Đấu thầu xây dựng chợ: Nhà đầu tư quan ngại về quy trình

(BĐT) - Trên cả nước còn hàng nghìn chợ truyền thống có nhu cầu đầu tư, nâng cấp, chuyển đổi mô hình quản lý, rất cần huy động khu vực tư nhân vì nguồn lực từ Nhà nước có hạn. Từ lùm xùm trong đấu thầu dự án chợ Còng tại Thanh Hóa, rất cần một quy trình đấu thầu cạnh tranh, minh bạch thực sự để thu hút nhà đầu tư tham gia.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Cần nguồn lực lớn đầu tư, chuyển đổi chợ

Theo Hiệp hội Phát triển chợ Việt Nam, đánh giá của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy, Việt Nam hiện là thị trường bán lẻ hấp dẫn hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trong cả nước chưa được phát triển để đáp ứng nhu cầu buôn bán, trao đổi, giao lưu hàng hoá.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2016, trên địa bàn cả nước có hơn 8.900 chợ các loại. Trong đó có 2.300 chợ kiên cố, 3.700 chợ bán kiên cố, hơn 2.000 chợ là các lán tạm. Theo thống kê hiện nay, với gần 9.000 chợ trên toàn quốc, kênh chợ truyền thống phân phối trên 70% lượng hàng hóa, với hơn 2,3 triệu điểm kinh doanh và 4 triệu tiểu thương. Trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Phát triển chợ Việt Nam đánh giá, hạ tầng kỹ thuật lạc hậu và yếu kém đặt ra đòi hỏi rất lớn về nguồn lực để đầu tư, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới các chợ trên địa bàn cả nước. Hàng năm, Nhà nước đã và đang phải trích một lượng lớn ngân sách để chi trả cho công tác quản lý chợ, trong khi nguồn thu từ các chợ không đủ để bù đắp chi phí quản lý và duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa.

Hiệp hội khuyến nghị cần có cơ chế chính sách nhằm xã hội hóa, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế cũng như các nguồn lực xã hội khác chung tay, cùng tham gia xây dựng và khai thác, phát triển hệ thống chợ trên phạm vi cả nước. 

Mập mờ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

Hiệp hội Phát triển chợ Việt Nam cho biết, khung pháp lý trong lĩnh vực phát triển chợ hiện nay quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003, Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 về việc sửa đổi một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ.

Theo tìm hiểu, nhiều địa phương đã ban hành các quy định riêng hướng dẫn quy trình, thủ tục chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn, trong đó có hướng dẫn quy trình đấu thầu.

Tuy nhiên, có những quy định riêng tại địa phương không phù hợp với quy định pháp luật chung về đấu thầu, có thể dẫn đến kém cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư, giảm hấp dẫn nhà đầu tư quan tâm đến đầu tư chuyển đổi chợ.

Dự án Đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ Còng, thị trấn Tĩnh Gia, Thanh Hóa đang còn nhiều tranh cãi là một ví dụ. Theo ông Trương Bá Duyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia, Trưởng Ban Chuyển đổi mô hình quản lý chợ Tĩnh Gia, việc lựa chọn nhà đầu tư Dự án theo Quyết định 4508/2012/QĐ-UBND của tỉnh Thanh Hóa (QĐ 4508). Một trong những căn cứ xây dựng Quyết định là Nghị định 85/2009/NĐ-CP, trong khi đến thời điểm đấu thầu Dự án, Nghị định 85/2009/NĐ-CP đã được thay thế bởi Nghị định 63/2014/NĐ-CP.

Thực hiện theo một Quyết định từ năm 2012, việc lựa chọn nhà đầu tư Dự án có nhiều điểm không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Thực tế đấu thầu chợ Còng cũng cho thấy nhiều vấn đề trong công tác tổ chức đấu thầu, như hồ sơ mời thầu nhiều sai sót cơ bản, mở cùng lúc cả túi hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và túi hồ sơ đề xuất về tài chính tại lễ mở thầu, không công bố thông báo mời thầu và kết quả lựa chọn nhà đầu tư trên Báo Đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu,… Lùm xùm trong đấu thầu chợ Còng dù đã lên đến Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã có chỉ đạo làm rõ, có sự vào cuộc của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa, nhưng đến nay nhà đầu tư vẫn chưa đồng thuận với phương án xử lý.

Những cuộc thầu như tại Dự án Chợ Còng chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý của nhà đầu tư nói chung khi tham gia vào các dự án chuyển đổi chợ tại các địa phương. Trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp, cần thu hút đầu tư tư nhân, rất cần khung pháp lý rõ ràng, đảm bảo cạnh tranh, minh bạch thực sự.

Theo một chuyên gia về đấu thầu, các dự án đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ truyền thống có thể lựa chọn nhà đầu tư theo các phương án như đấu giá nếu quỹ đất sạch theo quy định của Luật Đất đai, đấu thầu dự án có sử dụng đất theo Luật Đấu thầu nếu quỹ đất chưa sạch, quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư. Còn nếu có mục đích công thì có thể đầu tư công hoặc theo hình thức đối tác công tư (PPP). Quan trọng là việc tổ chức đấu thầu nếu đã căn cứ theo quy định của pháp luật về đấu thầu thì phải thực hiện đúng Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn Luật, quy định riêng chỉ bổ sung thêm những quy định để phù hợp với điều kiện địa phương, bộ, ngành, lĩnh vực, nhưng không được trái quy định chung.

Chuyên đề