‘Bom tấn’ ngành điện cổ phần hóa cùng khoản nợ gần 3 tỷ USD

Nợ vay của Tổng công ty Phát điện 3 trước cổ phần hóa lên đến 66.400 tỷ đồng, trong đó phần lớn là vay dài hạn nước ngoài.
Nợ vay của Tổng công ty Phát điện 3 trước thời điểm cổ phần hóa lên đến 66.400 tỷ đồng. Ảnh: Genco3.
Nợ vay của Tổng công ty Phát điện 3 trước thời điểm cổ phần hóa lên đến 66.400 tỷ đồng. Ảnh: Genco3.

Theo phương án cổ phần hóa vừa được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phê duyệt, giá trị thực tế của Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3) xấp xỉ 93.000 tỷ đồng. Công ty dự kiến bán đấu giá công khai hơn 267 triệu cổ phần, tương đương 12,8% vốn điều lệ trong quý I. Với giá khởi điểm là 24.600 đồng một cổ phần, quy mô đợt IPO này vào khoảng 6.600 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công ty đang tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược đảm bảo yêu cầu về năng lực tài chính, quản lý và vận hành nhà máy điện để bán 749 triệu cổ phần, tương đương 36% vốn điều lệ.

Nếu hai thương vụ này hoàn thành đúng kế hoạch, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ đại diện phần vốn nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ còn lại. Dự kiến từ năm 2020, trong trường hợp Genco3 tái cấu trúc được các khoản nợ và đàm phán được với các tổ chức tín dụng thì cổ đông lớn nhất sẽ xem xét thoái vốn xuống dưới mức chi phối.

Một số nhà đầu tư cho rằng, nhiều khả năng Genco3 phải cần đến một phép màu để hiện thực hóa điều này trong vòng hai năm. Bởi, dù giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm nhưng nợ vay của công ty đến cuối quý III/2017 vẫn vượt hơn 66.400 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay và thuê tài chính dài hạn chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối với 99.2%.

Theo phân tích của ban lãnh đạo Genco3, khó khăn hiện tại là tình hình tài chính chưa thực sự lành mạnh và đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư. Quy mô sản xuất kinh doanh lớn nhưng khả năng tự tài trợ ở mức thấp nên công ty buộc phải vay bằng ngoại tệ USD, yen… Điều này khiến hoạt động kinh doanh chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô, điển hình như biến động tỷ giá và lãi suất. Chi phí lãi vay mỗi năm lên đến hàng nghìn tỷ đồng và có dấu hiệu tăng lên không ngừng. Cụ thể, lãi vay năm 2016 xấp xỉ 2.527 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với trước đó hai năm.

9 tháng đầu năm 2017, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty lần lượt là 27.000 tỷ đồng và 321 tỷ đồng. Dù được đánh giá là một trong những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất của ngành điện, thực tế biên lợi nhuận ròng của Genco3 chỉ khoảng 1,2%.

Genco3 đang thực hiện ba dự án nhiệt điện gồm Thái Bình 1, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng với tổng mức đầu tư hơn 91.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh chưa có dự án đầu tư mới, công suất lắp đặt các nhà máy đã hoạt động tối đa và việc tối ưu hoá chi phí cũng được triển khai trong nhiều năm liên tiếp thì triển vọng duy nhất phụ thuộc vào chính sách cải thiện giá bán điện. Điều này khiến công ty dè dặt đề ra mục tiêu doanh thu đến năm 2020 khoảng 38.075 tỷ đồng, chênh lệch không nhiều so với ước tính thực hiện năm nay.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư