Ảnh minh họa. |
Song, một nhà thầu cho rằng: “Quá trình đánh giá HSDT có nhiều điểm bất hợp lý”. Ngay cả khi bên mời thầu công bố hủy thầu, nhà thầu này vẫn cho rằng: “Lý do để loại nhà thầu là không có cơ sở”.
Quá trình đánh giá HSDT bất hợp lý?
Trên Báo Đấu thầu số 162 ra ngày 26/8/2016, Báo Đấu thầu đã phản ánh kiến nghị của nhà thầu đối với Gói thầu “Chỉnh lý tài liệu tồn đọng các cơ quan, tổ chức của tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2015 - 2018 (Phân kỳ năm 2016)”. Theo đó, nhà thầu cho rằng, Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh Vĩnh Phúc (Bên mời thầu - BMT) trong quá trình đánh giá HSDT đã yêu cầu nhà thầu làm rõ HSDT đối với các nhân sự chủ chốt có nhiều điểm bất hợp lý.
Cụ thể, BMT đã yêu cầu nhà thầu cung cấp các tài liệu: hợp đồng lao động, bản gốc bằng tốt nghiệp của các nhân sự chủ chốt và nhà thầu đã đáp ứng yêu cầu làm rõ này của BMT. Tuy nhiên, ngay sau đó, BMT lại tiếp tục yêu cầu nhà thầu cung cấp, bổ sung các tài liệu là quyết định nghỉ hưu của các nhân sự; bản gốc văn bản xác nhận đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về việc cho phép ký hợp đồng lao động thuê khoán chuyên môn với nhà thầu. Theo nhà thầu này, việc làm rõ HSDT lần 2 có những nội dung không phù hợp và vượt quá phạm vi yêu cầu của HSDT.
BMT cho rằng, việc yêu cầu nhà thầu kê khai năng lực, kinh nghiệm của các nhân sự chủ chốt và cung cấp các hồ sơ chứng minh việc huy động nhân sự của nhà thầu là để làm rõ trách nhiệm tham gia của nhân sự do nhà thầu đề xuất. Tuy nhiên, nhà thầu cho rằng, việc nghỉ hưu hay chưa nghỉ hưu của nhân sự không liên quan đến năng lực, kinh nghiệm và không ảnh hưởng đến việc huy động nhân sự của nhà thầu, bởi nhà thầu đã ký hợp đồng lao động với các nhân sự. “Và đây là cơ sở pháp lý để nhà thầu huy động nhân sự cho việc thực hiện gói thầu này” – đại diện nhà thầu nhấn mạnh.
Về việc không cung cấp văn bản xác nhận của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cho phép cán bộ được ký hợp đồng lao động với nhà thầu, nhà thầu nêu rõ, yêu cầu này không thuộc phạm vi trách nhiệm của nhà thầu, bởi nhà thầu và người lao động ký hợp đồng lao động trên cơ sở thỏa thuận với nhau và tuân thủ quy định của pháp luật. Do đó, nhà thầu khẳng định “không có nghĩa vụ cung cấp bản gốc văn bản đồng ý cho phép ký hợp đồng lao động của một bên thứ 3”.
Trong thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu này, BMT cho biết, đơn vị này cũng đã gửi cho cơ quan quản lý một nhân sự đang công tác trong đơn vị sự nghiệp công lập tham gia thực hiện Gói thầu, tuy nhiên, đến thời điểm ban hành kết quả lựa chọn nhà thầu, BMT vẫn chưa nhận được văn bản trả lời từ đơn vị sự nghiệp công lập này.
Nhà thầu khẳng định nhân sự đề xuất đáp ứng yêu cầu của HSMT
Được biết, HSMT yêu cầu có “tối thiểu 5 lưu trữ viên hoặc tương đương” có trình độ “đại học trở lên, chuyên ngành lưu trữ”. Theo đó, bằng cấp, chứng chỉ của nhân sự này đáp ứng được yêu cầu của Gói thầu. Tuy nhiên, do đang công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập với chức danh là Trưởng ban Hỗ trợ phát triển dịch vụ tài liệu lưu trữ, nên nhân sự này không tham gia với tư cách Trưởng nhóm. Nhân sự này khẳng định với BMT: “Có tham gia Gói thầu với tư cách Lữu trữ viên, nhưng không tham gia với tư cách Trưởng nhóm như nhà thầu đề xuất”.
Trao đổi thêm với Báo Đấu thầu, nhà thầu nhấn mạnh, HSMT chỉ yêu cầu “tối thiểu 5 lưu trữ viên hoặc tương đương”, việc nhân sự không tham gia với chức danh Trưởng nhóm không ảnh hưởng gì tới năng lực, kinh nghiệm và khả năng đáp ứng Gói thầu của nhân sự. Nhà thầu lý giải, việc đề xuất nhân sự với các chức danh trưởng nhóm chỉ là tổ chức nội bộ công việc của nhà thầu, gắn với quyền lợi và trách nhiệm của các cá nhân, chứ không ảnh hưởng tới việc tham gia Gói thầu của các nhân sự như nhà thầu đề xuất.