1 nhà thầu đã có kiến nghị vì cho rằng tiêu chí gây hạn chế cạnh tranh tại Gói thầu số 8 Thi công thuộc DA Nâng cấp hệ thống thoát nước, chống ngập úng tại các KDC xã Phước Đại. Ảnh minh họa: Internet |
Theo văn bản kiến nghị của nhà thầu, HSMT yêu cầu về nhân sự chủ chốt bao gồm các vị trí: chỉ huy trưởng công trình; phụ trách kỹ thuật thi công về xây dựng cấp thoát nước; phụ trách kỹ thuật thi công về xây dựng cầu đường bộ; phụ trách trắc địa; phụ trách giám sát chất lượng về xây dựng; phụ trách quản lý chi phí công trình; phụ trách quản lý an toàn lao động. Các nhân sự đều phải đáp ứng trình độ đại học trở lên theo đúng chuyên ngành; có tổng số kinh nghiệm 5 năm; đã trực tiếp tham gia đảm nhận vị trí tương tự cho ít nhất 1 công trình hạ tầng kỹ thuật cấp III hoặc 2 công trình hạ tầng kỹ thuật cấp IV trở lên, có xác nhận của chủ đầu tư cho các kinh nghiệm trong các công việc tương tự... Nhà thầu cho rằng, việc HSMT đưa ra yêu cầu đối với các vị trí nhân sự chủ chốt (trừ vị trí chỉ huy trưởng) là trái quy định và dẫn đến hạn chế cạnh tranh bởi theo pháp luật về xây dựng thì chỉ có chỉ huy trưởng là chức danh có yêu cầu về tiêu chuẩn (Điều 74 Nghị định 15/2021/NĐ-CP).
Riêng với việc HSMT yêu cầu vị trí chỉ huy trưởng phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhà thầu cho rằng, tiêu chí này là không phù hợp, gây khó cho nhà thầu. Hiện nay hệ thống giáo dục Việt Nam và các trường đào tạo chưa có mã chuyên ngành xây dựng hạ tầng kỹ thuật mà chỉ có chuyên ngành đào tạo xây dựng hạ tầng đô thị hoặc cấp thoát nước.
Ngoài ra, nhà thầu dẫn chiếu quy định tại Điều 66 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định điều kiện chung để được cấp chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân có trình độ hạng III là “Có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 2 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 3 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp”. Do đó, việc yêu cầu chỉ huy trưởng phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên là tiêu chí hạn chế nhà thầu tham dự.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu ngày 26/4, cán bộ phụ trách công tác đấu thầu của BMT cho biết, BMT đã tiếp nhận kiến nghị của nhà thầu và lý giải khi xây dựng HSMT yêu cầu các nhân sự phụ trách kỹ thuật để bảo đảm phù hợp với tính chất của công trình. Đối với nhân sự chỉ huy trưởng, BMT sẽ bổ sung, chỉnh sửa lại câu từ cho chuẩn. BMT đang cùng đơn vị tư vấn lập HSMT chuẩn bị nội dung phúc đáp, chỉnh sửa HSMT và sẽ đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Theo chuyên gia đấu thầu, hiện nay đối với các gói thầu cũng như tình hình thi công thực tế cần có các vị trí phụ trách chuyên môn khác để đảm nhận, nên việc chỉ yêu cầu duy nhất chỉ huy trưởng thực tế không thể đảm bảo chất lượng cho gói thầu. Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 06/2021/NĐ-CP (quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng), việc yêu cầu nhân sự đối với các vị trí khác có thể được chấp nhận và cần có trình độ chuyên môn phù hợp để đảm nhận. Tuy nhiên, tùy theo quy mô và tính chất gói thầu mà yêu cầu cho hợp lý, việc yêu cầu số lượng nhân sự quá nhiều cho gói thầu quy mô nhỏ sẽ gây hạn chế nhà thầu, vị chuyên gia này nêu quan điểm.
Đối với bằng cấp chuyên ngành đào tạo, hạ tầng kỹ thuật chỉ là khái niệm chung về nhóm ngành. Nếu HSMT quy định chung chung về chuyên ngành đào tạo thì BMT cần làm rõ các chuyên ngành như nhà thầu đề xuất có đáp ứng yêu cầu hay không, để có cơ sở đánh giá hồ sơ dự thầu. Nếu căn cứ đúng tên gọi trong HSMT để đánh rớt là không có căn cứ.
Liên quan tới nhân sự chỉ huy trưởng, pháp luật xây dựng quy định chỉ huy trưởng công trình cấp III yêu cầu trình độ chỉ cần từ trung cấp trở lên và có thêm 1 trong 2 điều kiện (có chứng chỉ giám sát hạng III, hoặc đã thi công trực tiếp 1 công trình cấp III hoặc 2 công trình cấp IV). Do đó, nội dung kiến nghị của nhà thầu về “phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên” là có cơ sở.