Cho ý kiến tại Quốc hội trong phiên họp sáng nay, đại biểu Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh) nêu quan điểm, việc quy định đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu được Ủy ban thường vụ Quốc hội đề xuất hai phương án, trong đó phương án 1 được thể hiện ngay trong Dự thảo Luật tại Mục 3, Chương IV, gồm hai điều 64 và 65 sẽ tạo được hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ rõ và phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần giúp cho việc xử lý nợ xấu cũng như xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu được nhanh chóng, hiệu quả hơn. Theo đó, việc quy định một số nguyên tắc về đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu được thực hiện theo trình tự, thủ tục phù hợp với tình hình thực tiễn xử lý nợ xấu nhưng vẫn tuân thủ các nguyên tắc quy định của Luật Đấu giá tài sản một cách công khai, minh bạch và chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Tuy nhiên, do nội dung này mới được bổ sung nên đại biểu này cho rằng, còn một số vấn đề cần được rà soát, hoàn chỉnh thêm.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP.Hà Nội) bày tỏ quan điểm không đồng tình khi VAMC được giao như một tổ chức thực hiện việc đấu giá tài sản giống như các tổ chức khác khi bán nợ xấu. Đại biểu Cường cho rằng, khi bán tài sản thì dù là nợ xấu cũng là tài sản nhà nước nên việc bán tài sản là nợ xấu cũng phải giống như các tổ chức khác, nên VAMC cũng phải thực hiện bán tài sản nợ xấu thông qua các tổ chức đấu giá. “Nếu giao cho VAMC - cơ quan vừa quản lý tài sản nợ xấu, vừa bán nợ xấu sẽ tạo ra sự không bình đẳng với những cơ quan quản lý tài sản khác” – đại biểu Hoàng Văn Cường quan ngại.
Đặc biệt, đại biểu của TP. Hà Nội còn lo ngại việc quy định như trên sẽ tạo ra những tiêu cực khi ở Mục Khoản 1 Điều 53 quy định bán tài sản nợ xấu được thực hiện theo quy trình rút gọn. Theo quy định tại nội dung này, những tài sản đưa ra đấu giá lần thứ hai không thành công, sẽ được thực hiện theo quy trình rút gọn với thông báo rất ngắn, nhanh và mang tính công khai minh bạch rất kém. Điều này dễ bị lợi dụng, bởi vì bất kể một tài sản nào nếu muốn đưa vào quy trình rút gọn cũng rất dễ dàng. Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: “Tôi đề nghị bỏ quy định tại Mục b về các tài sản đấu giá lần thứ hai và Mục c, Khoản 1, Điều 53 những tài sản đấu giá nợ xấu ra khỏi quy trình đấu giá rút gọn”.
Giải trình thêm trước các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, VAMC là hiện tượng tức thời của nền kinh tế và đang hoạt động theo Nghị định 53 của Chính phủ. Theo quy định thì VAMC được làm khá nhiều việc, trong đó có việc mua về nợ xấu và bán đi thông qua hình thức bán đấu giá.
VAMC có thể ký hợp đồng với các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để bán nợ xấu, cụ thể là trung tâm dịch vụ bán đấu giá hoặc doanh nghiệp bán đấu giá hoặc tự mình bán. Mặc dù đây là hiện tượng tức thời nhưng cũng phải có quy định nên Chính phủ đưa vào một điều ở Chương VIII là điều khoản thi hành.
“Chúng tôi thấy về nguyên tắc có thể chấp nhận được phương án 1 này, nhưng cần làm rõ là VAMC chỉ được bán tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm cho nợ xấu. Đây không phải là một tổ chức bán đấu giá hoạt động được như trung tâm dịch vụ đấu giá hoặc các doanh nghiệp đấu giá khác” – Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định và cho biết thêm, trong quá trình bán đấu giá, nếu VAMC tự mình bán thì trình tự, thủ tục phải theo quy định của Luật Đấu giá tài sản. Thực tế cho thấy, cho đến nay, VAMC chưa tự bán mà chủ yếu là ký hợp đồng với các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm khoản nợ xấu còn ý kiến khác nhau lớn. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ban thư ký của Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về vấn đề này trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua Luật. Theo dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội, Dự thảo Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 18/11/2016.