Thúc đẩy đầu tư công tại TP.HCM, động lực vực dậy tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước tới ngày 31/3 của TP.HCM đạt 0,89% kế hoạch vốn năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao. Hơn 38,39% số vốn kế hoạch của TP.HCM, tương đương 27,074 nghìn tỷ đồng chưa được triển khai, phân bổ. Trong bối cảnh kinh tế quý I tăng trưởng thấp, TP.HCM cần có giải pháp quyết liệt thúc đẩy đầu tư công, tạo động lực để vực dậy tăng trưởng kinh tế.
Đến hết ngày 31/3, TP.HCM ước giải ngân đạt 624,631 tỷ đồng vốn đầu tư công, tương đương 0,89% kế hoạch năm. Ảnh: Lê Tiên
Đến hết ngày 31/3, TP.HCM ước giải ngân đạt 624,631 tỷ đồng vốn đầu tư công, tương đương 0,89% kế hoạch năm. Ảnh: Lê Tiên

Theo tìm hiểu, lượng vốn lớn chưa được TP.HCM triển khai, phân bổ do chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện giao chi tiết. Ngoài ra, còn một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục điều chỉnh dự án. Ba tháng đầu năm, TP.HCM cũng chưa quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục lựa chọn nhà thầu và gỡ vướng giải phóng mặt bằng cho các dự án xây dựng.

Năm 2023, TP.HCM được Chính phủ phân bổ 70.518 tỷ đồng vốn đầu tư công, bao gồm vốn ngân sách trung ương là 15.292 tỷ đồng; vốn địa phương là 55.225 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với năm 2022. Phần lớn vốn đầu tư công được TP.HCM dành cho các dự án hạ tầng quan trọng hoặc mang tính liên kết vùng, như đường Vành đai 3; Quốc lộ 50; nút giao An Phú; đường nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa (nối vào nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất).

Tuy nhiên, tới hết tháng 3/2023, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm được khởi công từ cuối năm ngoái vẫn dừng ở khâu chuẩn bị mặt bằng thi công. Điển hình là 3 dự án Quốc lộ 50; nút giao An Phú; đường nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa. 3 dự án trên có tổng mức đầu tư khoảng 9.748 tỷ đồng, đã được bố trí đủ theo phân kỳ, nhưng việc thi công chậm khiến lượng vốn lớn chưa thể giải ngân để thẩm thấu vào nền kinh tế.

Không chỉ các dự án mới khởi công chưa thể đẩy nhanh tiến độ, một loạt dự án giao thông quan trọng đã đình trệ nhiều năm ở TP.HCM cũng chưa thể tái khởi động. Đó là các dự án cầu Nam Lý, cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu (TP. Thủ Đức) hay nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7)… Nguyên nhân khiến những công trình thuộc nhóm này đình trệ là thời gian triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án quá dài khiến các căn cứ, điều kiện thực tế thay đổi rất nhiều so với khi lập báo cáo kinh tế kỹ thuật. Giai đoạn thực hiện dự án đầu tư gặp nhiều vướng mắc do phải điều chỉnh thiết kế, tổng mức đầu tư. Đồng thời, phương án tài chính cho đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng các dự án theo dự toán trước đó không còn phù hợp với thực tế và buộc phải điều chỉnh lại.

Trong báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế tháng 2, ước thực hiện 3 tháng kế hoạch năm 2023 của Bộ Tài chính, đến hết 31/3, TP.HCM giải ngân đạt 624,631 tỷ đồng, tương đương 0,89% kế hoạch năm. Trong tương quan so với hơn 70.518 tỷ đồng tổng kế hoạch vốn đầu tư công, mục tiêu giải ngân trên 95% vốn đầu tư công là nhiệm vụ rất nặng nề với TP.HCM.

Số liệu vừa công bố cho thấy, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP.HCM quý I năm 2023 thấp hơn nhiều so với dự báo, chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ 2022. Một trong những nguyên nhân khiến kinh tế quý I của TP.HCM tăng trưởng thấp được nhận định là Thành phố đã bỏ trống “trận địa” đầu tư công. Việc các dự án đầu tư công chưa thể tăng tốc thi công cũng là một nguyên nhân khiến ngành xây dựng TP.HCM tăng trưởng âm (giảm 19,80%) trong quý I/2023.

Để cải thiện tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, UBND TP.HCM đã ban hành chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Theo đó, một số giải pháp mới, kèm theo chế tài xử lý rõ ràng khi các đơn vị chậm giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 nếu chỉ đạt dưới 90% do lỗi chủ quan, thì không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ tốt cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án liên quan. Về chế tài, những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực trong quản lý đầu tư công, làm trì trệ tiến độ, sẽ bị thay thế và có chế tài xử lý nghiêm khắc.

Đối với các dự án vướng giải phóng mặt bằng, TP.HCM yêu cầu chủ đầu tư rà soát, nếu không thể thi công tiếp, thì chủ động đề xuất dừng hoặc thu hẹp quy mô dự án, tránh tình trạng “ngâm” vốn hoặc phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Với các dự án đến nay đã hết thời gian thực hiện, thì chủ đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục, trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án theo quy định.

Chuyên đề