Đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Ảnh: Quang Hiếu |
Cổ phần hóa là một trong những nội dung quan trọng trong sắp xếp, đổi mới DN. Theo Thủ tướng, cổ phần hóa trước hết nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ, có tính cạnh tranh cao cả đầu vào và đầu ra, có động lực để thúc đẩy doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Tỷ lệ vốn nhà nước bán ra còn thấp
Thông tin tại Hội nghị, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, số lượng DNNN đã giảm từ khoảng 6.000 DNNN năm 2001 xuống còn 718 DNNN tại thời điểm tháng 10/2016.
Song, nhấn mạnh tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, số vốn nhà nước tại DN được thoái vẫn còn rất thấp, chỉ đạt 8%, tức là vẫn còn 92% vốn nhà nước tại DN.
Chỉ rõ tồn tại, hạn chế này, Báo cáo Tổng kết công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2011 - 2015, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020 của Ban Chỉ đạo chỉ rõ, công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn vừa qua tiến triển chậm. Đặc biệt, tỷ lệ vốn nhà nước được bán ra khi cổ phần hóa và sau khi thoái vốn còn thấp, làm hạn chế đáng kể kết quả thực hiện các mục tiêu sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN đã đề ra.
Báo cáo của Bộ Tài chính về kết quả IPO của 426 DNNN cổ phần hóa cho thấy, có 254 DNNN (chiếm 60%) bán được hết cổ phần và 172 DNNN (chiếm 40%) không bán được hết cổ phần theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt. Báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước năm 2015 cũng cho biết, năm 2015 có 128 DN IPO, bình quân bán được khoảng 36% tổng số lượng cổ phần chào bán.
Ông Lê Mạnh Hà đánh giá, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN thấp so với nguồn lực đang nắm giữ. Năng lực quản trị, điều hành còn nhiều yếu kém. Một số DNNN có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao. Theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty thì hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 1,23 lần. Đáng chú ý, theo báo cáo này, có tới 25 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần.
Việc sắp xếp, đổi mới DNNN ở nhiều bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cũng còn hạn chế. Nhiều DNNN đã cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết, đăng ký giao dịch theo quy định. Kết quả thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại các DNNN mà Nhà nước không cần nắm giữ còn thấp so với yêu cầu. Còn tình trạng DN thua lỗ kéo dài nhưng chưa được xử lý dứt điểm.
Quyết liệt đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới DNNN
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho rằng, trong hoạt động cổ phần hóa cần nghiên cứu quy định về nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong việc xác định giá trị vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp để cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, quy định về thuê tư vấn và thực hiện bán cổ phần nhà nước tại DN trên thị trường quốc tế. Ông Hiếu cũng đề nghị các bộ, ngành, các địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chấp hành nghiêm chỉnh việc báo cáo thông tin hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiến độ cổ phần hóa… theo quy định.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đặng Huy Đông, cần thành lập cơ quan chuyên quản lý các DNNN, thay vì để tại các bộ, ngành, địa phương như hiện nay. Cơ quan này áp dụng chuẩn mực của Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch dưới sự hỗ trợ của cộng đồng. Cho ý kiến về vấn đề này, Thủ tướng khẳng định, đây là mô hình quản trị tốt cần được thực hiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN thời gian tới. Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng cho biết, để tạo thuận lợi cho công tác sắp xếp, đổi mới DNNN trong giai đoạn tới, Bộ KH&ĐT đã hoàn thành Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN để trình xem xét ký ban hành.
Để thúc đẩy sắp xếp, đổi mới DNNN trong giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu các nhóm nhiệm vụ cơ bản: Phải xác định rõ lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực còn lại thì rút vốn theo tỷ lệ phù hợp; sớm xác định danh mục DN với tỷ lệ giữ vốn cụ thể (DN nào giữ 100%, DN nào rút vốn, tỷ lệ rút vốn); lành mạnh hóa hoạt động DN, xóa bỏ mọi rào cản trong quá trình cổ phần hóa; xây dựng hệ thống đánh giá phù hợp DNNN sau cổ phần hóa thực hiện mục tiêu chính sách với mục tiêu kinh tế; áp dụng quản trị DN theo thông lệ quốc tế; hoàn thiện quy trình thủ tục về đầu tư, mua sắm, phân phối, công tác cán bộ; xử lý các DN thua lỗ, hoạt động hiệu quả thấp; quản lý chặt chẽ việc vay nợ; rà soát, tháo gỡ mọi rào cản về chính sách... để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, sắp xếp lại DNNN.
Để thực hiện hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ nêu trên, Thủ tướng nhấn mạnh việc giao trách nhiệm cụ thể cho cá nhân lãnh đạo từng bộ, ngành, địa phương, DN trong thực hiện cổ phần hóa với phương châm bộ nào, địa phương nào, DN nào "làm chậm, làm thất thoát thì phải xử lý", đồng chí nào "không làm thì phải thay đổi".