Bộ NN&PTNT đề xuất nhiều giải pháp phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Huyền Trang |
Tuy nhiên, loại hợp đồng nào là phù hợp cho các dự án loại này?
Khó khăn trong tìm loại hợp đồng phù hợp
Trong Danh mục dự án PPP ưu tiên triển khai giai đoạn 2016 - 2020 đã được Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT có 1 dự án ưu tiên đặc biệt cấp quốc gia là Dự án Hồ chứa nước Đồng Điền, thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư dự kiến 6.481 tỷ đồng; 2 dự án ưu tiên cấp quốc gia gồm Dự án Hệ thống cấp nước nông thôn 10 xã huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định có tổng mức đầu tư 251 tỷ đồng và Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất ương san giống và nuôi trồng thủy sản nước lợ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vùng ven biển huyện Kim Sơn có tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng.
Ngoài những dự án có cấu phần xây dựng này, Bộ NN&PTNT cũng đang đề xuất các giải pháp để đẩy mạnh áp dụng hình thức đầu tư PPP trong cung cấp dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hoàng Đan, Phó Chánh Văn phòng PPP của Bộ NN&PTNT, Nghị định 15/2015/NĐ-CP đã cho phép áp dụng 7 loại hợp đồng của hình thức đầu tư PPP, nhưng là những hợp đồng xây dựng công trình kết cấu hạ tầng, chỉ phù hợp với các dự án có cấu phần xây dựng, chưa phù hợp với các dự án dịch vụ công và dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hay dịch vụ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Vì thế, việc triển khai dự án PPP trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với các dự án dịch vụ bị hạn chế vì không có hình thức hợp đồng tương ứng để ký kết và thực hiện dự án.
Đề xuất bổ sung hình thức hợp đồng mới
Nhằm thu hút tư nhân vào các dự án cung cấp dịch vụ liên kết sản xuất, Bộ NN&PTNT đã đề xuất thêm một hình thức hợp đồng PPP là hợp đồng dịch vụ phát triển liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (DVC). Đây là hợp đồng được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, DN dự án; trong đó nhà đầu tư, DN dự án chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện hợp tác, liên kết với nông dân và/hoặc các tổ chức nông dân theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Nhà đầu tư, DN dự án được quyền vận hành, kinh doanh, thu phí dịch vụ từ người hưởng dịch vụ (nếu có) và bao tiêu sản phẩm nông sản đầu ra theo số lượng, chất lượng và giá cả đã thỏa thuận. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tham gia vào dự án bằng tiền hoặc bằng hình thức khác. Sau khi kết thúc hợp đồng dự án, nhà đầu tư, DN dự án chuyển giao lại dự án cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thỏa thuận.
Theo Bộ KH&ĐT, Nghị định 15/2015/NĐ-CP cho phép bộ, ngành và UBND cấp tỉnh đề xuất các loại hợp đồng tương tự khác trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Mới đây, Bộ KH&ĐT đã có tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc bổ sung hình thức hợp đồng DVC trong lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên Bộ KH&ĐT lưu ý Bộ NN&PTNT cần so sánh lợi thế của việc áp dụng hình thức hợp đồng DVC so với các hình thức hợp đồng khác, đồng thời giới hạn các lĩnh vực, nhóm dịch vụ áp dụng hợp đồng DVC trong mô hình liên kết chuỗi, trước mắt chỉ lựa chọn một số sản phẩm chủ lực của ngành, đảm bảo không trùng lặp với cơ chế đang thực hiện theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP.
Ý kiến từ nhiều bộ, ngành có liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính cũng đồng thuận việc bổ sung hình thức hợp đồng PPP tương tự của Bộ NN&PTNT nhưng đề nghị Bộ này cần xác định rõ yêu cầu xây dựng dự án, cấu trúc hợp đồng dự án, bao gồm quyền lợi, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền - nhà đầu tư/DN - người nông dân, trong đó xác định chặt chẽ trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.