Hartexco chưa thể khai thác khu đất tại số 61 Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) dù 3 năm đã trôi qua. Ảnh: Song Lê |
Đây được cho là động thái mới của Công ty trong việc khai thác khu đất 61 Phạm Ngọc Thạch, Quận 3, TP.HCM khi mà phương án nhượng lại quyền khai thác khu đất cho Công ty CP Mỹ nghệ tổng hợp xuất khẩu (Hartexco) vẫn đang bế tắc.
Ách tắc nhiều năm
Việc bổ sung ngành nghề kinh doanh của In số 4 được đưa ra trong bối cảnh thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh đang gặp phải rất nhiều khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính, đặc biệt là đối với các khu đất có nguồn gốc từ đất công.
In số 4 cho biết, việc hoàn thành hồ sơ nhượng lại quyền khai thác mặt bằng tại số 61 Phạm Ngọc Thạch theo như yêu cầu là hết sức khó khăn, chưa biết đến khi nào có thể được.
Trước đó, vào giữa năm 2016, In số 4 đã thông qua phương án nhượng lại thương quyền tại khu đất 61 Phạm Ngọc Thạch cho một nhà đầu tư thay vì cùng góp vốn kinh doanh.
Theo đó, In số 4 đã tiến hành chuyển nhượng thương quyền mặt bằng khu đất trên theo hình thức chào giá cạnh tranh thông qua đàm phán trực tiếp với Tập đoàn Nguyễn Kim, Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Đất Xanh và Hartexco.
Đối tác được lựa chọn là Hartexco, qua sự giới thiệu của ông Lê Hoàng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn - doanh nghiệp nhà nước hiện nắm giữ 45% cổ phần In số 4.
Ngày 10/5/2017, hai bên đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng tài sản trên đất và văn bản thỏa thuận về việc hỗ trợ di dời, ổn định sản xuất cho người lao động, chi trả cổ tức cho các cổ đông cũng như lợi thế thương mại của mặt bằng có giá trị 150 tỷ đồng. Đến tháng 5/2018, In số 4 đã nhận đủ số tiền 150 tỷ đồng từ Hartexco.
Tuy vậy, với những khó khăn như HĐQT In số 4 đã chia sẻ, kế hoạch chuyển nhượng trên vẫn chưa thể hoàn thành như dự kiến mặc dù 3 năm đã trôi qua. Ngay cả quyết định trả tiền thuê đất một lần mà UBND TP.HCM cho phép cũng kéo dài gần 2 năm mà chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Do vậy, giữa hai bên sẽ không thể hợp tác qua hình thức chuyển nhượng mặt bằng như trước đây đã thống nhất và ký kết. Hai bên cũng đồng ý hủy văn bản thỏa thuận và In số 4 sẽ hoàn trả cho Hartexco số tiền 110 tỷ đồng (hỗ trợ chi phí di dời, ổn định sản xuất cho người lao động và giá trị lợi thế mặt bằng 61 Phạm Ngọc Thạch).
Trong vòng 6 tháng kể từ ngày ký hủy văn bản thỏa thuận, HĐQT In số 4 cũng xin Đại hội đồng cổ đông được chủ động và toàn quyền trao đổi, thảo luận, bàn bạc thống nhất và quyết định các hình thức hợp tác khác với Hartexco. Nếu sau 6 tháng mà hai bên không đi đến thống nhất một hình thức hợp tác khác thì In số 4 và Hartexco sẽ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng tài sản (có giá trị 40 tỷ đồng). Đồng thời, giải quyết số tiền thuế VAT 4 tỷ đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp 8 tỷ đồng mà In số 4 đã nộp ngân sách nhà nước.
Hartexco là ai?
Hartexco được thành lập tháng 10/2000. Theo công bố thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh vào giữa năm 2016, Công ty có vốn điều lệ 16,52 tỷ đồng. Trên thị trường, Hartexco thường được biết đến trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đồ mỹ nghệ. Tuy vậy, ông chủ đằng sau Hartexco lại là người hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thực thụ.
Theo tìm hiểu, Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Hartexco là bà Đỗ Thị Kim Na. Bà Na cũng đang giữ chức vụ Giám đốc Văn phòng đại diện Công ty CP Quản lý và Dịch vụ An Khánh.
Theo thông tin từ một số website môi giới bất động sản cho thuê, Công ty CP Quản lý và Dịch vụ An Khánh là chủ đầu tư tòa nhà văn phòng cho thuê An Khánh Office Building nằm tại số 63 Phạm Ngọc Thạch, ngay bên cạnh khu đất 61 Phạm Ngọc Thạch của In số 4.
Còn Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý và Dịch vụ An Khánh là bà Đỗ Thị Kim Oanh. Bà Kim Oanh hiện cũng đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP TIE - hoạt động chính trong lĩnh vực thiết bị điện tử, tin học.
Vào cuối tháng 3/2019, Cơ quan điều tra Bộ Công an cho biết sẽ tiến hành điều tra hoạt động thoái vốn của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) tại Công ty CP Điện tử Sài Gòn - Sagel và Công ty CP TIE có dấu hiệu gây thất thoát tài sản nhà nước. Cả Sagel và TIE đều là doanh nghiệp nắm giữ nhiều lô "đất vàng" tại khu vực trung tâm TP.HCM.