Trao đổi trước thềm năm mới 2016, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị - CTCP Kinh Bắc (KBC) cho rằng, hệ thống pháp lý cần được hoàn thiện để tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp trong nước mới tận dụng được cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, làm chủ được nền kinh tế.
Trong năm 2015, Việt Nam đã ký kết một loạt hiệp định thương mại thế hệ mới, với độ mở của thị trường rất cao so với các hiệp định trước kia. Là một doanh nhân có nhiều kinh nghiệm trong thu hút đầu tư nước ngoài, theo ông, Việt Nam cần làm gì để không bỏ lỡ những cơ hội từ hội nhập?
Theo tôi, có hai vấn đề rất quan trọng: Một là, chúng ta cần hiểu thật rõ về TPP, về những thuận lợi và khó khăn mà hiệp định này mang lại. Thị trường mình mở ra thế nào và thị trường các nước mở ra thế nào. Nếu không hiểu rõ những điều này, chúng ta dễ bị mất chủ quyền về kinh tế, khi doanh nghiệp chúng ta mất thị phần nội địa.
Hai là, cần có sự cải cách mang tính đột phá về thể chế, để phù hợp với tiến trình hội nhập và xa hơn nữa là đi trước đón đầu và đột phá trong phát triển doanh nghiệp trong nước, để hàng hóa của Việt Nam có điều kiện xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường các nước trong khối TPP…
Doanh nghiệp đang cần những chính sách cởi mở, công bằng, bình đẳng và minh bạch hơn nữa từ các cấp chính quyền, cũng như rất cần sự quan tâm hơn nữa bằng các chính sách cụ thể. Ví dụ, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất cần có điều kiện tốt hơn để tiếp cận các nguồn tài nguyên, đặc biệt là vốn, đất đai…
Chỉ cần nhìn vào tổng dư nợ tín dụng của 100 doanh nghiệp có số dư lớn nhất ở mỗi ngân hàng (nếu ngân hàng lớn thì 200), chúng ta dễ dàng thấy, tổng dư nợ này đã vượt hơn 50% tổng dư nợ toàn ngân hàng… Như vậy, với khoảng 35 ngân hàng, khoảng trên dưới 3.500 doanh nghiệp lớn đã vay hết 50% tổng số vốn, hơn 400.000 doanh nghiệp khác được vay phần còn lại.
Ông Đặng Thành Tâm
Nếu Việt Nam xây dựng được thị trường vốn phát triển mạnh thì doanh nghiệp lớn sẽ bớt lệ thuộc vào tín dụng, họ sẽ phát hành cổ phiếu, trái phiếu… Khi đó, nguồn vốn sẽ dồi dào hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu tài sản đảm bảo, hoạt động kinh doanh chưa hoàn thiện nên sổ sách kế toán chưa chuẩn mực, khiến các ngân hàng e dè khi cho vay. Tuy vậy, sự ổn định của nền kinh tế lại chủ yếu dựa vào doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trên tất cả là cần hoàn thiện hệ thống pháp lý, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho doanh nghiệp phát triển. Chính điều này sẽ giúp doanh nghiệp trong nước tận dụng được cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế. Chỉ doanh nghiệp trong nước mới làm chủ được kinh tế trong nước, như vậy, mới đảm bảo được mục tiêu mở cửa hội nhập, nhưng không lệ thuộc và mất chủ quyền về kinh tế.
Nhiều ý kiến cho rằng khi TPP được thông qua, DN bất động sản công nghiệp như KBC sẽ được hưởng lợi rất lớn. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao? KBC đã chuẩn bị gì để đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài tới đây?
Việc hình thành TPP là một bước tiến quan trọng để tiến tới tự do hóa thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP - Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương) và xa hơn nữa là tự do hóa thương mại toàn cầu. Đạt được thành công này là nhờ nỗ lực rất lớn của đoàn đàm phán Bộ Công thương, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và cao hơn nữa là Bộ Chính trị.
Điểm đặc biệt là, các đối tác trong TPP đã ưu ái rất lớn cho Việt Nam khi dành cho Việt Nam một lộ trình phù hợp để mở cửa hàng hóa và dịch vụ, còn họ thì lại mở cửa rất sớm cho hàng hóa của chúng ta vào. Tất nhiên, có một số ít ngành sẽ bị ảnh hưởng sau vài năm nữa, còn đại đa số được hưởng lợi.
Một dòng đầu tư nước ngoài rất lớn đã và đang chảy vào Việt Nam. Chính điều này đã làm cho bất động sản khu công nghiệp khởi sắc rất sớm. Từ năm ngoái, KBC đã bùng nổ về thu hút đầu tư nước ngoài, giúp hoạt động kinh doanh của Tập đoàn tốt lên rất nhiều.
Do quá trình đàm phán TPP kéo dài, bản thân tôi là Chủ tịch HĐQT của KBC, cũng là một thành viên của Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) nên nắm sát tiến độ đàm phán. Vì vậy, KBC đã có được dự báo sớm và có sự chuẩn bị rất tốt. Cụ thể là, KBC đã tích lũy được quỹ đất rất lớn cũng như chuẩn bị cơ sở hạ tầng sẵn sàng cho thuê. Vì vậy, hoạt động kinh doanh của KBC chắc chắn sẽ rất thuận lợi và kịp thời nắm bắt mọi thời cơ.
Theo dự kiến, TPP sẽ có hiệu lực sau 18 tháng kể từ ngày ký. Như vậy, chậm nhất là cuối năm 2017, hiệp định này sẽ có hiệu lực. Do đó, các nhà đầu tư quốc tế đã đổ vốn vào Việt Nam từ đầu năm 2016, tìm thuê đất xây dựng nhà máy để có sản phẩm sẵn sàng xuất khẩu vào thị trường TPP.
KBC là một trong số ít doanh nghiệp được lợi hoàn toàn nhờ TPP và không chịu một trở ngại hay bất lợi nào. Ngoài thu hút được các dự án đầu tư trực tiếp vào khu công nghiệp để xây dựng nhà máy thì KBC còn được rất nhiều quỹ đầu tư quan tâm mua cổ phiếu mới phát hành để thành cổ đông chiến lược, cũng như KBC có thêm điều kiện thuận lợi hơn để phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế.
Ông từng nói rằng kinh doanh khu công nghiệp rất cực và không dễ để các dự án “đẻ trứng vàng”, ông có thể lý giải kỹ hơn về điều này?
Mỗi ngành kinh doanh có một đặc thù riêng, nhưng kinh doanh khu công nghiệp có cái vất vả hơn là khi lấp đầy khu công nghiệp này rồi thì chúng tôi lại lao vào xây dựng khu công nghiệp khác. Vì vậy, công việc cứ nối tiếp nhau, người làm phát triển khu công nghiệp khó có thể được nghỉ ngơi.
Mỗi khu công nghiệp lại cũng có đặc thù riêng. Thường giai đoạn đầu, các khu công nghiệp đều phải hạ giá, thậm chí chấp nhận lỗ, để thu hút nhà đầu tư. Khi có một số lượng nhất định các nhà máy vào hoạt động rồi thì mới có thể cho thuê với giá kỳ vọng. Chính vì vậy, nhiều nhà phát triển khu công nghiệp điêu đứng và thất bại.
Theo thống kê, phát triển khu công nghiệp có tỷ lệ thành công ít hơn 50%, nếu không muốn nói là thấp hơn nữa. KBC may mắn có đội ngũ lãnh đạo và cán bộ nhân viên tốt và chuyên nghiệp, đồng thời có duyên may trong phát triển khu công nghiệp nên nhà đầu tư nước ngoài rất quý mến.
Là một trong những doanh nhân gặp nhiều sóng gió trong thời gian qua, song ông đã vững tay chèo lái doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn. Trước thềm năm mới, ông có mong ước và chia sẻ gì?
Theo tôi, bất cứ ai ở bất cứ lĩnh vực nào trong đời đều phải trải qua những giai đoạn khó khăn, thăng trầm. Nhưng khó khăn, thử thách sẽ làm con người ta thêm chín chắn, trưởng thành hơn, điềm đạm hơn. Tôi đã nói vui là tôi trở nên trầm tính hơn, bớt xốc nổi hơn.
Tất nhiên, không phải khó khăn, thử thách nào cũng dễ dàng vượt qua và vượt qua được nên luôn có những người mãi mãi ở lại. Tôi đã vượt qua cũng là may mắn của số phận vì có nhiều người ở bên cạnh, bạn bè, anh em cán bộ công nhân viên và đối tác đã luôn tin tưởng và giúp đỡ, đặc biệt là gia đình luôn là nguồn động viên lớn. Tôi luôn ghi nhớ trong tim những tình cảm tốt đẹp và sự giúp đỡ quý báu đó.
Việt Nam đang hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới và niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam được củng cố. Hiến pháp năm 2013 cùng với một loạt bộ luật mới gia tăng quyền con người, mở rộng tự do kinh doanh, tăng sự minh bạch hóa và công bằng, bình đẳng hơn, tạo ra môi trường pháp lý tốt hơn cho tất cả mọi người. Đặc biệt, doanh nghiệp được tự do kinh doanh và không còn lo sợ khi mà các bộ luật về kinh tế, đầu tư được hoàn thiện hơn, tiến bộ hơn.
Bộ luật Hình sự, Tố tụng Hình sự cũng tiến bộ hơn, thêm nội dung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ làm giảm áp lực lên cá nhân trong doanh nghiệp như tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị. Ví dụ, trước đây, đơn giản là sai phạm về kinh tế, chưa biết đúng sai thế nào thì người đại diện pháp luật cũng dễ dàng vướng vòng pháp luật, nhưng với Bộ luật hình sự và Tố tụng hình sự mới, có thêm pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự nên pháp nhân sẽ phải chịu trách nhiệm khi các cá nhân đã thực hiện đúng chức trách, nhưng do những điều kiện nhất định mà pháp nhân đó vẫn gây ra trách nhiệm về hình sự.
Sau Đại hội Trung ương Đảng, đất nước có đội ngũ lãnh đạo mới cho một nhiệm kỳ 5 năm. Đặc biệt, nhiệm kỳ này đúc kết những bài học kinh nghiệm 5 năm vừa qua – thời kỳ rất nhiều biến động trong nước và quốc tế. Vì vậy, tôi tin tưởng, năm 2016 sẽ rất tốt đẹp. Tôi có bạn bè quốc tế là những doanh nhân lớn, những chính trị gia có tên tuổi hay những người thuộc nhiều lĩnh vực, họ đã đánh giá rất tích cực về Việt Nam.
Chúng ta hãy mạnh dạn bắt đầu một kế hoạch mới cho mình, gia đình mình và cho đơn vị của mình, chắc chắn bạn sẽ gặt hái được những thành quả đáng kể, nếu không muốn nói là rất tốt đẹp!