Gói thầu 16 tỷ đồng tại Long Mỹ (Hậu Giang): Kiến nghị sửa đổi một số tiêu chí

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong thời gian mời thầu Gói thầu Xây dựng (nhà làm việc; nhà phụ trợ; các hạng mục phụ trợ khác và cây xanh, thảm cỏ; cửa kho tiền và hệ thống điện nhẹ; hệ thống điều hòa không khí) thuộc Dự án Trụ sở Kho bạc Nhà nước (KBNN) thị xã Long Mỹ - Hậu Giang, một số nhà thầu phản ánh, hồ sơ mời thầu (HSMT) đưa ra các tiêu chí đánh giá có thể hạn chế sự tham gia của nhà thầu, đồng thời kiến nghị sửa đổi.
Gói thầu Xây dựng thuộc Dự án Trụ sở Kho bạc Nhà nước thị xã Long Mỹ - Hậu Giang có giá 16,577 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Hoài Tâm
Gói thầu Xây dựng thuộc Dự án Trụ sở Kho bạc Nhà nước thị xã Long Mỹ - Hậu Giang có giá 16,577 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Hoài Tâm

Gói thầu nêu trên có giá 16,577 tỷ đồng, phát hành HSMT từ ngày 6 - 18/6/2024, do KBNN Hậu Giang làm Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu, giao Công ty CP Tư vấn đầu tư và Quản lý xây dựng DSC tư vấn lập HSMT.

Ngay sau khi HSMT được phát hành, có ít nhất 2 nhà thầu gửi văn bản kiến nghị sửa đổi HSMT. Theo các nhà thầu, Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực kỹ thuật của HSMTcó một số tiêu chí về nhân sự, công nhân, thiết bị, kèm theo các điều kiện về bằng cấp, chứng chỉ, kinh nghiệm cần xem xét điều chỉnh.

Cụ thể, tại nội dung đánh giá về tính hợp lý và khả thi của các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức thi công, HSMT yêu cầu nhà thầu đề xuất bộ máy tổ chức công trường, trong đó đề xuất cán bộ chuyên trách công tác an toàn lao động (tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành bảo hộ lao động, có tối thiểu 7 năm kinh nghiệm); cán bộ phụ trách hồ sơ khối lượng (tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành kinh tế xây dựng, có chứng chỉ hành nghề định giá xây dựng, có tối thiểu 7 năm kinh nghiệm), nếu đáp ứng được 2 điểm, đề xuất khác thì đạt 0 điểm.

Tại mục này, HSMT còn yêu cầu nhà thầu đề xuất chỉ huy trưởng công trình tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành xây dựng dân dụng hoặc chuyên ngành kỹ thuật có liên quan đến xây dựng công trình, có tối thiểu 10 năm kinh nghiệm; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chỉ huy trưởng công trình xây dựng, chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy; đã đảm nhận vai trò chỉ huy trưởng công trình đến khi nghiệm thu bàn giao đối với công trình xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong vòng 12 tháng trở lại đây kể từ ngày có thời điểm đóng thầu.

Ngoài ra, HSMT yêu cầu nhà thầu đề xuất giải pháp sử dụng công nhân trực tiếp thi công xây dựng công trình, trong đó, sử dụng ≥ 70% công nhân lao động hoặc tối thiểu 25 công nhân lao động đã qua đào tạo và có chứng chỉ nghề ≥ 3 năm, kèm theo danh sách, căn cước công dân, bằng cấp/chứng chỉ... Với mỗi trường hợp đáp ứng thì đạt 3 điểm, trường hợp khác được 0 điểm.

Về máy móc thiết bị, HSMT yêu cầu nhà thầu đề xuất toàn bộ máy móc thiết bị mới, sản xuất từ năm 2020 trở lại đây. Ngoài ra, nhà thầu phải có chứng chỉ/chứng nhận của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) về hệ thống quản lý chất lượng đối với lĩnh vực thi công xây dựng công trình dân dụng (còn hiệu lực). Tương tự phương pháp chấm điểm nêu trên, nhà thầu sẽ bị chấm 0 điểm trong trường hợp đề xuất không đầy đủ theo yêu cầu của HSMT.

Theo các nhà thầu, việc đưa yêu cầu về nhân sự chủ chốt cùng các vị trí kỹ thuật thông thường, công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông để làm cơ sở đánh giá về kỹ thuật; đồng thời yêu cầu tiêu chuẩn nhân sự quá cao so với công việc mời thầu là không phù hợp pháp luật về xây dựng, pháp luật đấu thầu, làm khó nhà thầu.

Ngày 13/6/2024, trên cơ sở trả lời của đơn vị tư vấn đấu thầu, KBNN Hậu Giang có văn bản phúc đáp các nhà thầu. Theo lý giải của tư vấn đấu thầu, các yêu cầu nêu trên mang tính khuyến khích nhà thầu bố trí nhân sự, thiết bị phù hợp, đáp ứng năng lực thực hiện Gói thầu. HSMT áp dụng phương pháp chấm điểm, không quy định điểm tối thiểu đối với các nội dung đánh giá này. Do vậy, việc cho thêm điểm kỹ thuật đối với các trường hợp nhà thầu đề xuất đúng theo yêu cầu của HSMT là phù hợp, không gây hạn chế nhà thầu.

Nhà thầu kiến nghị cho rằng, mặc dù HSMT không quy định điểm tối thiểu đối với từng nội dung yêu cầu chi tiết về nhân sự, thiết bị kể trên, nhưng nhà thầu vẫn phải đạt điểm yêu cầu tổng quát tối thiểu (48/100 điểm) mới được đánh giá đáp ứng tính hợp lý và khả thi của các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức thi công và đủ điều kiện được xem xét, đánh giá ở các bước tiếp theo. Với phương pháp chấm điểm tại HSMT, nhà thầu có thể mất tới 15 điểm tại nội dung đánh giá tổng quát này nếu không đề xuất đúng theo yêu cầu của HSMT.

Theo chuyên gia đấu thầu, Phụ lục 8 Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT quy định rõ các nội dung của HSMT dẫn đến hạn chế cạnh tranh theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu, trong đó có hành vi: quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu; quy định nguồn vốn, địa bàn thực hiện hợp đồng tương tự...

Chuyên đề