Tăng hiệu quả giám sát, tạo môi trường đấu thầu cạnh tranh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hoạt động đấu thầu đã công khai, minh bạch, nhưng để cạnh tranh thực sự, phụ thuộc rất nhiều vào hồ sơ mời thầu (HSMT) và trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực tế, những hành vi hạn chế cạnh tranh tiềm ẩn trong HSMT còn không ít và theo nhiều nhà thầu, trong điều kiện phân cấp mạnh cho chủ đầu tư, nhà thầu “thấp cổ bé họng” khi kiến nghị sửa đổi HSMT, Báo Đấu thầu đã và đang phát huy vai trò là kênh thông tin, giám sát hiệu quả, giúp tiếng nói chính đáng của nhà thầu không bị bỏ qua và những nguyên tắc cốt lõi của Luật Đấu thầu được thực thi hiệu quả hơn.

Hoàn thiện chính sách, tăng cường cạnh tranh

Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 tiếp tục hoàn thiện, bổ sung nhiều quy định phù hợp với bối cảnh mới, đảm bảo mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình trong hoạt động đấu thầu.

Một trong những nội dung được cộng đồng nhà thầu kỳ vọng, đánh giá cao là quy định cụ thể, chặt chẽ tại Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn để ngăn chặn tình trạng cài cắm, thông thầu, hạn chế cạnh tranh trong đấu thầu. Cụ thể, khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu 2023 và khoản 2 Điều 24 của Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định, HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Đây cũng là hành vi bị cấm trong đấu thầu quy định tại điểm k khoản 6 Điều 16 của Luật.

Về nguyên tắc đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), Điều 27 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định trường hợp HSMT có các nội dung làm hạn chế cạnh tranh thì các nội dung này không phải căn cứ để xem xét đánh giá HSDT.

Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hướng dẫn về hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu dẫn đến nội dung của HSMT bị coi là vô hiệu, không phải là căn cứ để đánh giá HSDT.

Tại Thông tư 01/2024/TT-BKHĐT, sau đó là Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Bộ KH&ĐT đã công bố một số nội dung của HSMT dẫn đến hạn chế cạnh tranh theo quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật Đấu thầu.

Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước đó cũng đã công bố những hành vi hạn chế cạnh tranh đối với gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa, tư vấn, dịch vụ phi tư vấn.

Đưa ra “ánh sáng” những hành vi hạn chế cạnh tranh

Pháp luật về đấu thầu đã quy định rất rõ ràng, nghiêm cấm những hành vi hạn chế cạnh tranh trong đấu thầu. Tuy nhiên, thực tiễn tổ chức thực hiện công tác đấu thầu vẫn phổ biến tình trạng nhiều HSMT đưa tiêu chí dẫn đến hạn chế cạnh tranh.

Bên cạnh sự giám sát của báo chí nói chung, Báo Đấu thầu nói riêng, Luật Đấu thầu, Nghị định 24/2024/NĐ-CP đã bổ sung nhiều quy định về giám sát hoạt động đấu thầu, trong đó có việc giám sát thường xuyên hoạt động đấu thầu của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thuộc bộ, ngành, địa phương. Việc giám sát thường xuyên được thực hiện khi phát hiện hoạt động đấu thầu có dấu hiệu không bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế theo thông tin được tổng hợp trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc theo kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân liên quan. Trong đó có việc giám sát các chủ đầu tư không trả lời yêu cầu làm rõ HSMT, không trả lời kiến nghị về HSMT, kết quả lựa chọn nhà thầu; chủ đầu tư vi phạm quy định về thời gian đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu và các thông tin khác; chủ đầu tư có số lượng trung bình nhà thầu tham gia đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường thấp; chủ đầu tư có nhiều gói thầu có kiến nghị về HSMT, kết quả lựa chọn nhà thầu; HSMT bị kiến nghị có quy định làm hạn chế cạnh tranh và thông tin khác có liên quan.

Theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, những tiêu chí cài cắm phổ biến là quy định về số lượng nhân sự chủ chốt và thiết bị thi công, thiết bị chủ yếu quá mức cần thiết để thực hiện gói thầu; quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu; quy định các tiêu chí mà pháp luật quản lý ngành không yêu cầu; yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với các vị trí mà pháp luật về xây dựng không có yêu cầu về tiêu chuẩn đối với chức danh đó hoặc các vị trí kỹ thuật thông thường, công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông...

Và dù các kiến nghị, đề nghị làm rõ, trả lời đều được công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, nhưng nhiều trường hợp, nhà thầu phải kiến nghị đến Báo Đấu thầu, hy vọng sức mạnh từ ánh sáng công luận sẽ khiến chủ đầu tư, bên mời thầu thực thi nghiêm túc, đầy đủ quy định của pháp luật về đấu thầu. Sau khi Báo Đấu thầu phản ánh, một số chủ đầu tư đã tiếp thu, chỉnh sửa HSMT để đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu.

Đơn cử gói thầu 12,5 tỷ đồng tại Châu Thành (Đồng Tháp), sau phản ánh của Báo Đấu thầu về tiêu chí nhân sự, bên mời thầu đã rà soát lại tổng thể HSMT và báo cáo chủ đầu tư điều chỉnh tiêu chuẩn đánh giá về nhân sự chủ chốt phù hợp với quy định hiện hành (bỏ các chứng chỉ không bắt buộc).

Tại Gói thầu số 27 Khối nhà chính, thử tĩnh tải cọc, cấp thoát nước thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường bệnh, có giá hơn 822 tỷ đồng, sau phản ánh của Báo Đấu thầu, bên mời thầu cũng đã có văn bản trả lời đề nghị làm rõ HSMT của nhà thầu, đồng thời gian hạn thời điểm đóng thầu.

Gói thầu Mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh giai đoạn năm 2024 - 2025 đã được Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh chỉnh sửa HSMT ở lần đấu thầu lại, không đưa tiêu chí “lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm” mà nhiều nhà thầu kiến nghị như Báo Đấu thầu phản ánh, với mục tiêu lớn nhất là lựa chọn được nhà thầu bảo đảm năng lực thực hiện Gói thầu.

Nhiều gói thầu bảo hiểm khác cũng đã có sửa đổi HSMT, bỏ những tiêu chí gây hạn chế cạnh tranh như yêu cầu nhà thầu có xếp hạng quốc tế; không đưa các yêu cầu về năng lực tài chính vào tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật…

Dù còn những kiến nghị có cơ sở được Báo Đấu thầu phản ánh, được làm rõ bởi các lập luận, phân tích xác đáng từ chuyên gia đấu thầu, chuyên gia trong lĩnh vực quản lý ngành bị chủ đầu tư, bên mời thầu “ngó lơ”, nhưng theo nhiều nhà thầu, sự vào cuộc kịp thời của Báo Đấu thầu tiếp thêm niềm tin cho nhà thầu để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi tham gia đấu thầu.

Chuyên đề