Gói thầu bảo hiểm cháy, nổ tại Nhiệt điện Quảng Ninh: Nhà thầu kiến nghị vì tiêu chí bất hợp lý

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo Đấu thầu đã tiếp nhận nhiều kiến nghị của nhà thầu về hồ sơ mời thầu (HSMT) Gói thầu Mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh giai đoạn năm 2024 - 2025. Theo các nhà thầu, HSMT có tiêu chí không phù hợp, gây hạn chế sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện Gói thầu.
Báo Đấu thầu đã tiếp nhận nhiều kiến nghị của nhà thầu về HSMT Gói thầu Mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh giai đoạn năm 2024 - 2025. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet
Báo Đấu thầu đã tiếp nhận nhiều kiến nghị của nhà thầu về HSMT Gói thầu Mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh giai đoạn năm 2024 - 2025. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Gói thầu có giá dự toán 7.395.482.946 đồng, do Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh là Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Công ty CP Môi giới Bảo hiểm Nam Á (địa chỉ tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) là tư vấn lập HSMT và đánh giá hồ sơ dự thầu.

Phát hành HSMT từ ngày 8/9/2023, Bên mời thầu đã 2 lần gia hạn để rà soát, cập nhật phạm vi gói thầu; thời điểm đóng thầu sau gia hạn là 9 giờ ngày 31/10/2023. Tuy nhiên, dù HSMT đã được rà soát, đến thời điểm 16 giờ 30 phút ngày 5/10/2023, tiêu chí mà nhiều nhà thầu kiến nghị loại bỏ vẫn được bảo lưu.

Cụ thể, tiêu chí bị nhiều nhà thầu kiến nghị là “Bình quân (trung bình cộng) lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ trong 3 năm liên tiếp (2020, 2021, 2022) phải dương, nhà thầu độc lập phải thỏa mãn yêu cầu này, trường hợp liên danh, từng thành viên trong liên danh phải thỏa mãn yêu cầu này”. Tiêu chí này được đưa vào Mục 3. Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật thuộc Chương III. Tiêu chuẩn đánh giá HSDT, đánh giá theo phương pháp đạt/không đạt.

Theo một nhà thầu, tiêu chí này gây hạn chế nhà thầu và không có cơ sở pháp lý. Căn cứ Điều 63 Luật Kinh doanh bảo hiểm, nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) bao gồm: kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm; quản lý các quỹ và đầu tư vốn từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm; cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; hoạt động khác liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Do vậy, việc chỉ xét tiêu chí lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm như yêu cầu của HSMT là không phù hợp và không phản ánh đúng bản chất hiệu quả hoạt động của một DNBH. Ngoài ra, việc lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm < 0 thể hiện DNBH đã chi trả nhiều tiền bồi thường và quyền lợi bảo hiểm cho các cá nhân, doanh nghiệp gặp rủi ro.

Nhà thầu kiến nghị loại bỏ tiêu chí “lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm” của HSMT để tăng cạnh tranh, lựa chọn được nhà bảo hiểm tốt nhất, với chi phí thấp nhất nhằm tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.

Công văn trả lời của Bên mời thầu do ông Ngô Sinh Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh ký khẳng định, HSMT được lập tuân thủ theo quy định của Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT. Theo Bên mời thầu, tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật tại Mục 3 Chương III có yêu cầu các chỉ tiêu như lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm, quỹ dự phòng nghiệp vụ… là một phần yêu cầu để đánh giá khả năng thực hiện dịch vụ liên quan đến gói thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng (nếu trúng thầu). Đây là các tiêu chí cụ thể hóa từ tiêu chí về "Mức độ đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn thực hiện dịch vụ" theo hướng dẫn tại Mục 3, Chương III mẫu E-HSMT phi tư vấn ban hành theo Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT.

Trả lời này của Bên mời thầu không nhận được sự đồng tình của nhà thầu kiến nghị. Khi phóng viên Báo Đấu thầu trao đổi với một số chuyên gia về đấu thầu, bảo hiểm, các ý kiến cũng cho rằng trả lời như trên là không thỏa đáng.

Theo một chuyên gia về đấu thầu, Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT đã quy định rõ tiêu chuẩn đánh giá về tính hợp lệ, yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm không phải là bản được số hóa dưới dạng webform sẽ không được coi là một phần của E-HSMT và nhà thầu không phải đáp ứng các yêu cầu này. Việc đưa các tiêu chí “phi kỹ thuật” như “lợi nhuận” vào tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật để loại nhà thầu là không đúng quy định.

Ngoài những phân tích như các nhà thầu đã nêu, nhiều chuyên gia bảo hiểm nhấn mạnh, lợi nhuận thực hiện trong năm của DNBH bao gồm lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm, lợi nhuận hoạt động tài chính và lợi nhuận khác. Lợi nhuận của các DNBH phi nhân thọ phần lớn đến từ hoạt động đầu tư tài chính. “Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm phân tích thẳng thắn chính là lợi nhuận mà doanh nghiệp bảo hiểm “ăn” từ phí của khách hàng và ít chi trả bồi thường”, một chuyên gia chia sẻ. Chỉ tiêu này không quyết định khả năng thực hiện dịch vụ liên quan đến gói thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Báo Đấu thầu đã nhiều lần phản ánh về tiêu chí gây hạn chế cạnh tranh này, nhiều chủ đầu tư đã tiếp thu sửa đổi HSMT. Bên cạnh đó, theo khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều gói thầu bảo hiểm cháy, nổ có quy mô lớn hơn Gói thầu của Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh không sử dụng tiêu chí này.

Chuyên đề