Nhiều địa phương đã thực hiện đấu giá đất theo hình thức gián tiếp, bỏ phiếu kín. Ảnh: Nhã Chi |
Trước hiện tượng này, nhiều địa phương đã đẩy mạnh thực hiện đấu giá đất theo hình thức gián tiếp, bỏ phiếu kín. Kết quả bước đầu cho thấy, vấn nạn “cò đấu giá” giảm hẳn, người tham gia đấu giá thực sự được đảm bảo quyền lợi và ngân sách nhà nước tăng thu 10 - 20% so với giá khởi điểm.
“Cò đấu giá” lộng hành
Đấu giá quyền sử dụng đất thu hút không chỉ khách hàng có nhu cầu thực sự mà cả những đối tượng “cò đấu giá” với việc gây áp lực, đe dọa, thu tiền dìm giá mặc dù không có nhu cầu mua đất, nhằm mục đích trục lợi.
Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, tình trạng “cò đấu giá” diễn ra thường xuyên, thậm chí theo tổ nhóm với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhiều mánh khóe và rất khó cho lực lượng chức năng trong việc bắt quả tang và xử lý.
Tháng 12/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 3 đối tượng về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” tại Điều 218 Bộ luật Hình sự. Trước đó, tháng 9/2018, Công an huyện Nam Đàn bắt quả tang Trần Ngọc Chung (sinh năm 1993) trú tại phường Vinh Tân, TP. Vinh và Nguyễn Quốc Huy (sinh năm 1996) trú tại phường Đông Vĩnh, TP. Vinh có hành vi thông đồng dàn xếp giá và nhận 97 triệu đồng từ một người tham gia đấu giá để người này đấu giá thắng lô đất với giá là 198 triệu đồng.
Trong quá trình mở rộng vụ việc, cơ quan điều tra tạm giữ Hoàng Kiều Vinh (sinh năm 1982) trú tại xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An và khám xét chỗ ở của đối tượng, phát hiện nhiều tài liệu liên quan. Cơ quan điều tra xác định, Vinh đã có hành vi thông đồng, hiệp thương dàn xếp giá cho một lô đất để khách hàng đấu giá thắng với giá 315,05 triệu đồng. Qua đó, đối tượng thu lợi bất chính 50 triệu đồng…
Tại một phiên đấu giá quyền sử dụng đất khác vào tháng 7/2018 tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, công an phát hiện và bắt giữ 3 nhóm đối tượng, thu 20 dao mác, 15 dao bầu, 2 kiếm, 8 tuýp sắt chế thành dao dài hơn 1 mét. Các nhóm đối tượng này được xác định thuộc 2 nhóm “cò đất” ở Quỳnh Lưu và TP. Vinh. Chúng mang hung khí để thị uy và đe dọa nhằm giải quyết mâu thuẫn trong quá trình “bảo kê” hoạt động đấu giá đất theo yêu cầu của khách hàng.
Khắc chế bằng đấu giá gián tiếp
Trong 4 hình thức đấu giá được quy định tại Luật Đấu giá tài sản, ngoại trừ hình thức đấu giá trực tuyến chưa thể áp dụng ngay tại nhiều địa phương vì còn liên quan đến nhiều yếu tố (hạ tầng mạng, công nghệ, trình độ…), thì đấu giá bằng bỏ phiếu kín gián tiếp được nhiều địa phương đánh giá là ưu việt nhất đến thời điểm hiện nay.
Theo bà Nguyễn Thị Quế Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An, từ đầu năm 2019 đến nay, tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã: Vinh, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Nam Đàn, Yên Thành thí điểm lựa chọn hình thức đấu giá gián tiếp ở vòng đấu giá thứ nhất và hình thức đấu giá trực tiếp cho vòng đấu giá thứ hai đối với đấu giá quyền sử dụng đất.
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An là đơn vị đầu tiên tổ chức đấu giá gián tiếp quyền sử dụng đất tại xã Nam Nghĩa (huyện Nam Đàn) với việc bán đấu giá thành công 17/20 lô đất, chênh lệch giá trúng đấu giá so với giá khởi điểm là gần 2 tỷ đồng. Quan trọng hơn cả, tại các phiên đấu giá này đã không còn cảnh chen lấn xô đẩy, mất an ninh trật tự vì “cò” ép người mua đất dàn xếp giá cả như những phiên đấu giá trước đây.
Trong tháng 6/2019, xã Quỳnh Thuận (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) cũng tổ chức bán đấu giá thành công 19 lô đất ở. Kết quả đấu giá cho thấy, có lô đất được đấu giá thành công với giá trúng đấu giá chênh lệch so với giá khởi điểm là 16,6%, bà Quế Anh thông tin.
Cũng trong tháng 6/2019 tại Quảng Trị, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với tổ chức đấu giá tài sản thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất đợt 3 năm 2019 với các lô đất tại Khu đô thị tái định cư Nam Đông Hà giai đoạn 1, Khu đô thị Nam Đông Hà giai đoạn 3 và đường vành đai cứu hộ cứu nạn phía Tây TP. Đông Hà. Với việc áp dụng hình thức bỏ phiếu kín gián tiếp tại phiên đấu giá này, Trung tâm đã bán đấu giá thành công 11 lô đất, thu về 20,28 tỷ đồng (vượt giá khởi điểm 27%).
Bà Nguyễn Thị Quế Anh nhấn mạnh, mặc dù việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo hình thức bỏ phiếu kín gián tiếp tại Nghệ An mới chỉ được một số đơn vị thực hiện thí điểm, nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả tốt, tạo được niềm tin cho người dân và phần nào giảm bớt tình trạng “cò đấu giá” lộng hành. Bên cạnh việc tăng thu ngân sách nhà nước, người dân cần đất thật sự được hưởng lợi. Hình thức đấu giá này được xem là cách làm hiệu quả trong thời điểm hiện nay.
Trong quá trình thực hiện hình thức đấu giá này cũng nảy sinh một số điểm cần được hoàn thiện thêm. Đó là: hồ sơ đấu giá đất được lưu theo chế độ mật, được giám sát chặt chẽ, nhưng việc quy định người tham gia đấu giá đất phải đăng ký với đơn vị đấu giá sẽ đấu lô đất nào trước khi bỏ phiếu; việc quy định về mức tiền người tham gia đấu giá nộp đặt cọc là những thông tin rất dễ lộ ra ngoài, là những kẽ hở để “cò đấu giá” có thể tiếp cận, dàn xếp với người tham gia đấu giá.