Góp ý cho Dự thảo Nghị định, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu rõ, cần bỏ các nội dung về “công nghệ xử lý chất thải” và “các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường”. Bên cạnh đó, đề nghị tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đến các đối tượng tác động của dự án cũng như thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ban soạn thảo cho biết, Nghị định được xây dựng trên cơ sở pháp lý là Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Đầu tư công năm 2019; Luật Đầu tư năm 2020; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020.
Theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật PPP, các dự án đầu tư công, dự án PPP khi xem xét quyết định chủ trương đầu tư phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Luật Đầu tư cũng quy định trong hồ sơ dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ khi xin chấp thuận chủ trương đầu tư phải có nội dung “đánh giá sơ bộ tác động môi trường”.
Do vậy, Dự thảo Nghị định quy định việc đánh giá sơ bộ tác động môi trường được thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi hoặc đề xuất thực hiện dự án đầu tư, được thể hiện là một phần trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc đề xuất thực hiện dự án đầu tư và sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét đồng thời với hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư dự án, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, góp ý về quy trình xây dựng văn bản, VCCI cho rằng, nghị định này có phạm vi tác động đến hầu hết dự án đầu tư tại Việt Nam, bao gồm đầu tư công, đầu tư theo phương thức PPP và đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài. Với phạm vi tác động lớn như vậy, nhưng Nghị định được xây dựng theo quy trình rút gọn, không được lấy ý kiến rộng rãi. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư không được tiếp cận và cũng không có thông tin để góp ý, phản biện. Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đến các đối tượng tác động của dự án cũng như thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Về nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường, VCCI cho rằng, việc đánh giá nhằm phục vụ cho việc ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Theo thủ tục đầu tư hiện nay, một quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ xác định các yếu tố về địa điểm, quy mô, công nghệ chính của dự án. Do đó, các nội dung của đánh giá sơ bộ tác động môi trường cũng chỉ cần tập trung vào việc trả lời các câu hỏi về tác động môi trường của các phương án về địa điểm, quy mô, công nghệ chính.
Trong giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư, cơ quan nhà nước không phê duyệt về công nghệ xử lý chất thải và các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường. Vì vậy, Dự thảo yêu cầu đánh giá sơ bộ phải bao gồm nội dung “công nghệ xử lý chất thải” và “các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường” là không cần thiết, vượt quá nhu cầu của giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các nội dung về “công nghệ xử lý chất thải” và “các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường” tại Dự thảo.
Mặt khác, khi làm đánh giá sơ bộ tác động môi trường trong giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư là đã trả lời câu hỏi về sự phù hợp của địa điểm, quy mô, công nghệ chính. Khi Nghị định này ra đời thì các dự án sẽ phải thực hiện hai nội dung là đánh giá sơ bộ tác động môi trường và đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Hiện nay, Nghị định 18/2015/NĐ-CP và Nghị định 40/2019/NĐ-CP vẫn yêu cầu trong ĐTM phải đánh giá sự phù hợp về địa điểm, quy mô, công nghệ.
Nếu triển khai cả đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo nghị định này và ĐTM theo Nghị định 18/2015/NĐ-CP và Nghị định 40/2019/NĐ-CP thì các nội dung đánh giá sự phù hợp về địa điểm, quy mô, công nghệ chính sẽ phải làm hai lần. Như vậy sẽ khiến các doanh nghiệp lo ngại sự trùng lặp về nội dung quản lý.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung điều khoản trong nghị định này về việc sửa đổi Nghị định 18/2015/NĐ-CP và Nghị định 40/2019/NĐ-CP theo hướng bãi bỏ nội dung liên quan đến việc thuyết minh và thẩm định sự phù hợp về địa điểm, quy mô, công nghệ của dự án.