Đến 29/9, tăng trưởng tín dụng đạt 6,92%

(BĐT) - Theo số liệu mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92% so với cuối năm 2022.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Ngay từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14 - 15% (cao hơn tăng trưởng các năm trước), có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Để tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp, NHNN đã chủ động triển khai nhiều các giải pháp.

Theo đó, đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS), NHNN đã chỉ đạo và yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án BĐS, người mua nhà tiếp cận tín dụng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định; xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường BĐS; khẩn trương có văn bản hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ. BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 3 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Ninh với số tiền giải ngân đạt 82,7 tỷ đồng.

Về triển khai một số giải pháp tín dụng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho một số mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long, thuỷ sản, cà phê), NHNN đã có nhiều văn bản, tổ chức các hội nghị, buổi làm việc, chỉ đạo các TCTD, tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực lúa gạo, cà phê, thuỷ sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các ngành này tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh (duy trì hạn mức tín dụng đã cấp, giảm lãi suất cho vay, miễn giảm các loại phí dịch vụ, linh hoạt trong việc áp dụng cơ chế bảo đảm tiền vay, đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp).

Bên cạnh đó là triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1 - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay, thời gian triển khai đến hết 30/6/2024. Đến nay đã có 13 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia Chương trình và đã thực hiện cho vay với doanh số giải ngân đạt gần 5.500 tỷ đồng (bằng 37% tổng số tiền cam kết cho vay theo Chương trình), cho 2.000 lượt khách hàng vay vốn.

Ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong tất cả các ngành, lĩnh vực được kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu và được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống. Đến cuối tháng 8/2023, lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ gần 121.000 tỷ đồng, với gần 124.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Trong khuôn khổ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất (HTLS) từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành lúa, gạo, thủy sản. Đến cuối tháng 8/2023, doanh số HTLS đạt hơn 169.000 tỷ đồng, dư nợ HTLS đạt gần 57.000 tỷ đồng cho hơn 2.100 khách hàng, số tiền HTLS lũy kế từ đầu Chương trình đạt khoảng 781 tỷ đồng.

Chuyên đề