Nâng hạng thị trường vốn Việt Nam: Vượt thách thức, đón cơ hội mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khi được nâng hạng sẽ thu hút nhiều hơn sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đầu tư theo hình thức góp vốn. Không chỉ có vốn, nhà ĐTNN sẽ góp kinh nghiệm quản lý, chiến lược đầu tư và công nghệ mới, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên, để đạt được những lợi ích đó, doanh nghiệp cần nỗ lực cải thiện niềm tin, sự minh bạch và tạo điều kiện cho nhà ĐTNN hiểu về mình.
Việc được nâng hạng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường chứng khoán và doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Việc được nâng hạng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường chứng khoán và doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Nhân tố dẫn dắt luồng vốn đầu tư gián tiếp trên toàn cầu

TTCK Việt Nam sau hơn 2 thập kỷ hoạt động đã thu hút sự tham gia của nhiều chủ thể, nhất là doanh nghiệp niêm yết/đại chúng, nhà đầu tư, các tổ chức tài chính trung gian với chất lượng ngày càng cải thiện. Với quy mô và thanh khoản hiện tại, TTCK Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực.

Ông Vũ Chí Dũng

Ông Vũ Chí Dũng

Trong từng giai đoạn xây dựng TTCK Việt Nam, Chính phủ dẫn dắt sự phát triển của thị trường bằng chính sách và các mục tiêu cụ thể, trong đó, mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam được đưa ra năm 2019 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025". Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối năm 2023 tiếp tục xác định mục tiêu đến năm 2025, nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK của các tổ chức quốc tế.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khoảng 70% quyết định phân bổ vốn đầu tư vào các TTCK của các nhà đầu tư tài chính quốc tế chịu ảnh hưởng từ việc xếp hạng TTCK, phân loại chỉ số tham chiếu cho TTCK. Chính vì vậy, việc phân loại, xếp hạng TTCK của các tổ chức xếp hạng uy tín có ảnh hưởng quan trọng đến việc dẫn dắt luồng vốn đầu tư toàn cầu.

Hiện trên thế giới có các tổ chức xếp hạng thị trường lớn như FTSE Russell, MSCI, S&P, Dow Jones... Hàng năm, các tổ chức này công bố kết quả xếp hạng các thị trường tài chính toàn cầu với mục đích đánh giá sự hấp dẫn của thị trường cổ phiếu của các quốc gia cho các nhà đầu tư tham khảo. Các quỹ đầu tư lớn đều sử dụng chỉ số của các tổ chức này để làm tham chiếu đầu tư vào TTCK thế giới.

Thị trường vốn của các quốc gia được phân theo 4 nhóm: (1) nhóm thị trường phát triển; (2) nhóm thị trường mới nổi; (3) nhóm thị trường cận biên; và (4) nhóm các thị trường không đủ điều kiện để được phân loại. Tiêu chí xếp hạng cụ thể của các tổ chức xếp hạng đối với từng loại thị trường có thể khác nhau, nhưng có một số tiêu chí tương đồng trong nguyên tắc xếp hạng, bao gồm: quy mô và thanh khoản; tỷ lệ sở hữu của ĐTNN đối với cổ phiếu của doanh nghiệp ở nước sở tại; khả năng tiếp cận thị trường, bao gồm cả khả năng tự do chuyển đổi ngoại tệ và mức độ mở cửa của dòng vốn đầu tư; kết cấu hạ tầng cho giao dịch trên TTCK, bao gồm cả hệ thống thanh toán và bù trừ chứng khoán; cơ chế giao dịch linh hoạt, có giao dịch bán khống và cho vay chứng khoán.

Việt Nam hiện đang được FTSE Russell đưa vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên nhóm 2 - thị trường mới nổi. Để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư, nhất là từ các tổ chức đầu tư quốc tế, việc nâng hạng từ cận biên lên mới nổi là rất cần thiết, bởi hầu hết các quỹ đầu tư chỉ số, quỹ đầu tư thụ động đều theo đuổi cổ phiếu ở các thị trường mới nổi và phát triển.

Doanh nghiệp cần dọn đường, đón cơ hội

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, việc được nâng hạng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho TTCK Việt Nam. Trước hết, Việt Nam có thể thu hút thêm dòng vốn gián tiếp ròng khoảng 7,2 tỷ USD hàng năm từ nhà ĐTNN, chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư và nhà ĐTNN lớn trên thế giới.

Việc nâng hạng sẽ giúp cải thiện khả năng định giá cổ phiếu, theo đó giá cổ phiếu trên thị trường sẽ được nhiều nhà ĐTNN chuyên nghiệp tham gia đánh giá, thể hiện đúng nhu cầu thực tế và tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp. Sự cải thiện công tác định giá doanh nghiệp sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình cổ phần hoá, giúp cho việc thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước có thể thu được nguồn thu cao hơn cho ngân sách nhà nước.

Nâng hạng cũng sẽ làm gia tăng số lượng nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư có quy mô lớn (hiện nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đang chiếm hơn 90% trên thị trường Việt Nam), tăng tính chuyên nghiệp và bền vững trong hoạt động đầu tư. Đặc biệt, sự tham gia của nhà ĐTNN mang lại lợi ích từ việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý, chiến lược đầu tư và công nghệ mới cho doanh nghiệp Việt Nam. Điều này có thể giúp doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với môi trường kinh doanh quốc tế.

Trường hợp TTCK Việt Nam được nâng hạng, không chỉ lượng vốn từ các quỹ đầu tư thụ động chảy vào thị trường, mà cả nguồn vốn của các quỹ đầu tư chủ động và nhiều nhà đầu tư lớn sẽ quan tâm tới Việt Nam. Các nhà đầu tư mới sẽ góp phần mở rộng cơ sở nhà đầu tư, cung cấp thêm nguồn vốn mới cho doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp cổ phần hóa và cả những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo… Cơ hội rất lớn, nhưng làm thế nào để đón được cơ hội khi TTCK Việt Nam nâng hạng là câu hỏi của nhiều doanh nghiệp. Để làm được điều này, đòi hỏi nhiều sự nỗ lực từ chính các doanh nghiệp, nhất là chung sức cải thiện niềm tin nhà đầu tư, minh bạch và rộng cửa đón dòng vốn quốc tế.

Trước hết, các doanh nghiệp cần đánh giá các ngành nghề sản xuất, kinh doanh của mình, có giới hạn sở hữu nước ngoài hay không, nếu có, có thể đăng ký tách các ngành nghề đó ra một công ty riêng, để dồn lực tập trung ngành nghề cốt lõi không bị vướng hạn chế huy động vốn quốc tế. Thứ hai, doanh nghiệp cần tăng cường công bố thông tin về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty mình và thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh (bên cạnh tiếng Việt), tạo thuận lợi cho nhà ĐTNN tiếp cận thông tin trực tiếp về doanh nghiệp. Thứ ba, doanh nghiệp cần tăng cường quản trị công ty tốt để xây dựng niềm tin với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Khi TTCK Việt Nam được nâng hạng và tăng trưởng bền vững, sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đại chúng phát hành chứng khoán tăng vốn, cơ hội tìm kiếm các đối tác mới, vươn tầm phát triển. Sự tham gia của các quỹ đầu tư, các tổ chức đầu tư quốc tế lớn với mục tiêu đầu tư dài hạn sẽ vừa tạo động lực, vừa là áp lực buộc các doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng hoạt động, tôn trọng quyền lợi nhà đầu tư, hướng đến các chuẩn mực quốc tế.

TTCK nếu được nâng hạng sẽ đạt được nhiều lợi ích cho quốc gia, cho doanh nghiệp, nên thách thức lớn nhất là đảm bảo để TTCK tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, duy trì xếp hạng trên trường quốc tế. Thực tế, trên thế giới đã có một số thị trường bị các tổ chức đánh giá xem xét hạ bậc sau khi được nâng hạng, là kinh nghiệm cho Việt Nam vượt qua thách thức này.

Nâng hạng TTCK là tín hiệu quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, cho thấy Việt Nam tiến bước dài hơn trong lộ trình hội nhập quốc tế. Cùng với quyết tâm của Chính phủ và sự nỗ lực của các cơ quan liên quan cho mục tiêu nâng hạng, các doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp niêm yết cần nỗ lực phát triển chính mình, trở nên thực sự minh bạch, khỏe mạnh, gây dựng niềm tin với các nhà đầu tư, để việc nâng hạng mang đến nhiều cơ hội thiết thực cho chính doanh nghiệp cũng như TTCK và nền kinh tế Việt Nam.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư