Nhức nhối vấn nạn “cò” đấu giá tài sản

(BĐT) - Với hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, hay đấu giá trực tuyến quy định tại Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) có hiệu lực từ 1/7/2017 được kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để vấn nạn “cò” trong ĐGTS.
Để hạn chế vấn nạn “cò” trong đấu giá, các phiên đấu giá cần có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Ảnh: Tuấn Linh
Để hạn chế vấn nạn “cò” trong đấu giá, các phiên đấu giá cần có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Ảnh: Tuấn Linh

Vấn nạn “cò” đấu giá

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phòng Quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp thuộc Sở Tư pháp TP. Hà Nội, tình trạng “cò” tham gia vào các phiên đấu giá thời gian gần đây là vấn nạn trong hoạt động bán ĐGTS. Ông Dũng phân tích, khi đủ điều kiện tham gia đấu giá thì quyền và nghĩa của mọi khách hàng tham gia đấu giá là như nhau. Do đó, có nhiều doanh nghiệp và cá nhân chỉ tham gia đấu giá với mục đích phá quấy, chèn ép khách hàng có nhu cầu thực mua và gây lũng đoạn phía ngoài trụ sở tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp đang thực hiện phiên đấu giá.

Một nhân viên môi giới nhà đất thông tin, thực tiễn hoạt động đấu giá đất tại Hà Đông (Hà Nội) cũng cho thấy, dân đi đấu giá đất chủ yếu là “cò” nhà đất. Họ đi đấu giá có bài bản nhằm găm giữ đất, sau đó thổi giá lên và bán lại cho người trượt, nếu không bán được thì bỏ cọc là xong. Thậm chí, “cò” thường trả giá rất cao nhằm gạt những người khác ra và sau đó đăng tin trên mạng, hoặc gửi trực tiếp tại các văn phòng nhà đất bán lại suất trúng đấu giá cho người khác.

Trên thực tế, có nhiều tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp lại chưa thường xuyên huy động, điều động lực lượng, đơn vị có chức năng bảo vệ phiên đấu giá hay bảo vệ khách hàng chân chính tham gia đấu giá. Do vậy, chưa ngăn chặn được các hoạt động gây rối phía ngoài tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, bởi tại thời điểm đó chưa có bằng chứng cụ thể nào có thể chứng minh hành vi gây hại đến phiên đấu giá.

Ở góc tiếp cận của mình, ông Phạm Tuấn, Giám đốc Công ty CP Đấu giá và Dịch vụ tư vấn Hải Phòng khách quan hơn khi cho rằng, “cò” cũng có 2 mặt của “cò”. Bởi, có những loại “cò” môi giới khi tìm được địa chỉ tiêu thụ cho các mặt hàng, bất động sản được đem ra đấu giá thì nếu nắm được các thông tin bán đấu giá, “cò” sẽ đứng ra mua hoặc chỉ chỗ để mua bán tài sản cho người có nhu cầu. Tuy nhiên, ngược lại, có những dạng “cò” không có nhu cầu mua tài sản đấu giá nhưng vẫn tham gia để chiếm giữ quyền lợi, đe nẹt để người mua không được trả giá cao, để “cò” mua được giá thấp và bán chênh lệch kiếm lời. “Cò thực sự gây bức xúc cho những đấu giá viên và những người tham gia phiên đấu giá”, ông Tuấn chia sẻ.

Với thực tiễn tham gia hoạt động bán ĐGTS gần 20 năm, ông Nguyễn Đại Dân, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS thuộc Sở Tư pháp Hải Dương chia sẻ, “cò” chủ yếu tồn tại dưới 2 hình thức là “cá nhân” và “tổ chức”. “Cò” cá nhân chủ yếu là dạng “cò” tham gia vào các phiên đấu giá nhỏ lẻ, “ăn chia được thì ăn chia, không thì thôi”; còn với dạng “cò” có tổ chức thì cuộc bán đấu giá nào cũng tham gia để nắm bắt tình hình, rồi ép các khách hàng khác khi trả giá, để được ăn chia. 

“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”

Luật ĐGTS cho phép các tổ chức ĐGTS thỏa thuận với người có tài sản lựa chọn một trong nhiều hình thức khác nhau để tiến hành cuộc đấu giá
Để thực hiện tốt các hoạt động bán ĐGTS, theo ông Dũng,  các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp rất cần nhận sự quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan, ban, ngành để dẹp bỏ tệ nạn “cò” đấu giá, làm minh bạch, công bằng hoạt động ĐGTS, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tham gia đấu giá.

Trong Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán ĐGTS, tại Điều 33 có quy định, tổ chức bán ĐGTS có thể lựa chọn một trong các hình thức bán đấu giá như đấu giá trực tiếp bằng lời nói; đấu giá bằng bỏ phiếu; các hình thức khác do người có tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá tài sản thỏa thuận. Ông Phạm Tuấn cho rằng, việc áp dụng cách thức, hình thức trả giá trong đấu giá rất quan trọng, góp phần hạn chế được vấn nạn “cò” như đã nêu trên.

Còn theo ông Nguyễn Đại Dân, Nghị định 17 quy định  còn rất chung chung. Nếu muốn thực hiện theo các hình thức khác, có nhiều ưu điểm hơn thì phải đạt được sự thỏa thuận, đồng ý của người có tài sản, đưa nội dung này vào trong hợp đồng thì tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp mới được phép thực hiện theo Quy chế đấu giá.

Tuy nhiên, với những quy định rõ ràng hơn, Luật ĐGTS có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 cho phép các tổ chức ĐGTS thỏa thuận với người có tài sản lựa chọn một trong nhiều hình thức khác nhau để tiến hành cuộc đấu giá.

Ông Phạm Tuấn cho rằng, hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp (quy định phiếu trả giá của người tham gia đấu giá phải được bọc bằng chất liệu bảo mật, có chữ ký của người trả giá tại các mép của phong bì đựng phiếu; phiếu trả giá được gửi qua đường bưu chính hoặc được nộp trực tiếp và được tổ chức ĐGTS bỏ vào thùng phiếu; thùng phiếu phải được niêm phong ngay khi hết thời hạn nhận phiếu) và đấu giá trực tuyến là được kỳ vọng đem lại sự minh bạch và hiệu quả cho hoạt động đấu giá.

Luật ĐGTS quy định, hình thức đấu giá trực tuyến sẽ do Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, ông Tuấn nêu quan điểm, nếu các cách thức đấu giá mới được hướng dẫn chi tiết, truyền thông tốt, cách thức tổ chức thực hiện cẩn thận thì các cuộc đấu giá sẽ đảm bảo thành công, hạn chế tối đa được vấn nạn “cò” trong đấu giá. Bên cạnh đó, các phiên đấu giá cũng phải được thực hiện bài bản, công khai, minh bạch, có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương thì mới có thể hạn chế được tình trạng “cò” trong đấu giá.

Chuyên đề