Ảnh Internet |
Đề xuất 2 mô hình cơ quan chuyên trách
Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại DN hiện đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện để trình Chính phủ. Đề án đề xuất 2 mô hình: cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên trách là DN trên cơ sở tăng cường năng lực cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Đánh giá về tính khả thi của 2 mô hình nêu trên, các chuyên gia cho rằng, mô hình cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ có nhiều ưu điểm hơn. Cụ thể, ưu điểm lớn nhất của mô hình này là vị thế pháp lý và chính trị tương xứng với chức năng của cơ quan chuyên trách. Với vị thế một cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan này sẽ được phép thực hiện đầu tư vốn nhà nước để phát triển các ngành, lĩnh vực nền tảng thúc đẩy nền kinh tế mà khu vực tư nhân không muốn làm hoặc không làm được, cần có vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước để khắc phục những khiếm khuyết của cơ chế thị trường.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Đức Trung, Trưởng ban Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), mô hình cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ còn có ưu điểm là tách bạch giữa chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
Vị thế thấp khó điều khiển “ông lớn”
Đối với mô hình 2, dù có ưu điểm là không phải qua thủ tục thành lập mới một cơ quan nhà nước, nhưng theo các chuyên gia, nếu được giao chức năng đại diện chủ sở hữu của các DNNN quy mô lớn và quan trọng từ các bộ, ngành và địa phương thì mục tiêu, cách thức quản lý và nhân lực của SCIC cũng khó có thể đáp ứng được. Đó là chưa kể, trong bối cảnh thể chế và chính trị ở nước ta, việc giao các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn thuộc quyền quản lý của một DN như SCIC là rất khó khăn (thực chất trở thành công ty con của SCIC).
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM chia sẻ: “Kinh nghiệm hơn 10 năm qua cho thấy, SCIC là mô hình thực sự tốt theo thông lệ quốc tế về chuyên trách và chuyên nghiệp hóa bộ máy quản lý vốn nhà nước. Tuy nhiên, vị thế “thấp” của SCIC làm cho cơ quan này khó “điều khiển” được các “ông lớn” là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Mặt khác, một cơ quan chuyên trách nằm trong cơ cấu của một bộ sẽ khó đáp ứng được yêu cầu độc lập và ngang hàng với các bộ quản lý ngành trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước”.
Chia sẻ quan điểm này, một số chuyên gia cũng cho rằng, mô hình DN chỉ phù hợp với các hoạt động đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại các ngành, lĩnh vực theo cơ chế thị trường. Mô hình này rất khó vận hành trong đầu tư vốn nhà nước để phát triển các ngành, lĩnh vực nền tảng cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội mà khu vực tư nhân không sẵn sàng đảm nhận. Cơ quan chuyên trách có chức năng không chỉ thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đối với các DN, mà còn tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và thực hiện chính sách sắp xếp, đổi mới DNNN, đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực nền tảng của nền kinh tế. Với chức năng này, mô hình DN có mặt hạn chế hơn so với mô hình cơ quan thuộc Chính phủ.