Theo Luật sư Ngô Thế Thêm, Văn phòng Luật sư Doanh Gia, để tăng hiệu quả hoạt động bán ĐGTS đối với loại tài sản này, cần tăng cường chế tài xử lý vi phạm để bảo đảm không thất thoát nguồn vốn của Nhà nước.
Hàng năm, có không ít tài sản có nguồn gốc nhà nước được các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đưa ra đấu giá. Việc thực hiện đấu giá tài sản nhà nước (TSNN) được pháp luật quy định như thế nào, thưa ông?
Tài sản có nguồn gốc nhà nước là một phạm vi rất rộng, có thể là TSNN thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (năm 2008) hoặc tài sản được DNNN đưa ra đấu giá thuộc phạm vi của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư kinh doanh tại DN (năm 2014).
Việc công bố thông tin ĐGTS được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bán ĐGTS (NĐ17). Theo đó, tổ chức bán ĐGTS phải niêm yết việc bán ĐGTS là Tài sản có nguồn gốc nhà nước là một phạm vi rất rộng, có thể là TSNN thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (năm 2008) hoặc tài sản được DNNN đưa ra đấu giá thuộc phạm vi của Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư kinh doanh tại DN (năm 2014).
Liên quan đến việc ĐGTS nhà nước là tài sản tại các DN được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư kinh doanh tại DN và NĐ17 nêu trên, Điều 27 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN có quy định về thanh lý, nhượng bán tài sản cố định theo hướng DNNN được quyền chủ động và thực hiện nhượng bán, thanh lý tài sản cố định đã hư hỏng, lạc hậu kỹ thuật, không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng được để thu hồi vốn trên nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tại Khoản 3 của Điều 27 nêu trên còn có quy định về phương thức thanh lý, nhượng bán tài sản bằng hình thức bán đấu giá. Theo đó, DNNN thực hiện việc nhượng bán tài sản cố định bằng hình thức đấu giá thông qua một tổ chức có chức năng bán ĐGTS hoặc do DN tự tổ chức thực hiện công khai theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về bán ĐGTS.
Như vậy, việc đấu giá các TSNN hiện đang có 2 hình thức: qua tổ chức đấu giá hoặc DN tự thực hiện dựa trên quy định về bán ĐGTS.
Luật sư Ngô Thế Thêm
Việc quy định thông tin công khai về ĐGTS của TSNN hoặc tài sản được DNNN đưa ra đấu giá nghe có vẻ là rất công khai nhưng thực chất là chưa rõ ràng. Quy định của pháp luật hiện hành trong việc công bố thông tin đấu giá là được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi có tài sản bán đấu giá. Tuy nhiên, với rất nhiều báo, tạp chí in và điện tử như hiện nay, việc tiếp cận thông tin tập trung về đấu giá là không dễ dàng.
Ngay như việc niêm yết tại trụ sở tổ chức đấu giá, nơi có tài sản đấu giá là các DNNN hoặc UBND cấp xã nơi có tài sản đấu giá cũng có những hạn chế trong việc tiếp cận thông tin. Từ đó dẫn đến các tài sản đem bán có thể sẽ không bán được tối đa giá trị, bởi thiếu tính cạnh tranh. Đây chính là vấn đề thực tiễn đặt ra cần phải có quy định phù hợp và chặt chẽ hơn.
Thực tiễn cho thấy, việc sử dụng quyền lựa chọn tổ chức đấu giá của người có tài sản vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, gây ra không ít tiêu cực trong ĐGTS. Theo ông, cần những quy định như thế nào để điều chỉnh chặt chẽ hoạt động này?
Để hướng dẫn chi tiết hoạt động đấu giá của Luật ĐGTS, các nghị định, thông tư nên quy định cụ thể hơn về việc công khai, minh bạch, bảo đảm sự tiếp cận thông tin để thực hiện việc giám sát rộng rãi đối với hoạt động đấu giá. Bên cạnh đó, cần quy định chi tiết hơn về trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên cũng như trách nhiệm bồi thường của các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp nhằm đưa hoạt động đấu giá đi theo đúng định hướng thị trường, thoát khỏi việc bán đấu giá mang tính “hình thức” như hiện nay. Ngoài ra, việc công khai thông tin về tài sản đấu giá trên trang tin điện tử chuyên ngành về đấu giá (Điều 57 Luật ĐGTS) cũng nên được công khai theo Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.
Đặc biệt, để tài sản đấu giá có thể được bán với mức giá sát với giá thị trường, cần tăng tỷ lệ phần trăm thưởng bán vượt giá khởi điểm nhằm khuyến khích các tổ chức bán đấu giá chủ động đưa tài sản ra đấu giá một cách công khai. Việc này sẽ tạo cho hoạt động đấu giá thực sự cạnh tranh và sôi động.
Riêng đối với người đại diện sở hữu TSNN, hiện các chế tài dành cho đối tượng này được Luật quy định tham chiếu tới “các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”. Do vậy, cần tăng cường chế tài xử lý đối với đối tượng này trong các văn bản pháp luật khác có liên quan để có sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Ngoài ra, trong Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bán ĐGTS có thể quy định chế tài xử phạt đối với hành vi không thực hiện nghiêm túc quy định của Luật.