Ảnh minh hoạ |
Cụ thể hoá "Nghị quyết về vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu quả", Bộ Công an đã hoàn thiện dự thảo Đề án 106 và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tại đề án, Bộ Công an đề xuất bỏ cấp tổng cục. Với cấp cục, đơn vị ngang cục giảm từ con số 126 xuống còn 52. Bộ cũng chỉ còn 4 học viện và hai đại học. Bộ máy công an tại các địa phương giữ nguyên.
Chiều 2/4, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá: "Đảng uỷ Công an Trung ương đã rất trách nhiệm, đưa ra hướng đổi mới có đề cập đến việc cải cách tổ chức bộ máy, xem xét giảm tổng cục".
Theo ông Dũng, trong kỳ họp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Theo quy định, trong luật không đề cập đến tổ chức bộ máy, vì vậy khi xây dựng nghị định liên quan đến đạo luật này, Chính phủ sẽ đưa vào nội dung liên quan.
Trước đó, để chuẩn bị cho việc tinh giản bộ máy, Bộ Công an đã tạm dừng bổ nhiệm tất cả các cấp lãnh đạo để chờ việc sắp xếp.
Từ cuối năm 2016, Bộ đã có chủ trương không tuyển mới cán bộ, chiến sĩ đào tạo ngoài ngành. Chỉ tiêu đào tạo vào các trường công an nhân dân, trong hai năm gần đây cũng giảm mạnh.
Bộ Công an có 6 tổng cục và hai Bộ tư lệnh trực gồm: Tổng cục An ninh, tổng cục Cảnh sát, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần – kỹ thuật, Tổng cục Tình báo và tổng cục Thi hành án và hỗ trợ tư pháp. Hai Bộ tư lệnh gồm: Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (K10); Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động (K20). Trong các tổng cục này bao gồm hàng chục cục khác nhau. Với các cục sẽ phải giải thể, nhân lực phân bổ như thế nào đang được Bộ Công an tiếp tục xây dựng trong đề án 106.