Bản tin thời sự sáng 19/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư công khai dự án nhà ở xã hội; TP.HCM và Bắc Ninh dẫn đầu xuất khẩu cả nước; bãi đỗ xe giữa trung tâm Đà Nẵng ế khách; Bộ Công Thương đấu giá 20 ô tô Camry, Mercedes giá từ 46 triệu đồng…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư công khai dự án nhà ở xã hội

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp, chủ đầu tư phải công khai thông tin về dự án nhà ở xã hội để người dân biết.

Người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội phản ánh khó tiếp cận thông tin các dự án. Ảnh minh họa

Người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội phản ánh khó tiếp cận thông tin các dự án. Ảnh minh họa

Nội dung trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại cuộc họp về Đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030.

Thủ tướng khẳng định, phát triển nhà ở xã hội góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, hỗ trợ người khó khăn, nhất là gia đình trẻ, lao động tại các khu công nghiệp, thành phố lớn sẽ giải tỏa bức xúc xã hội.

Để người dân có thể tiếp cận với nhà ở xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các doanh nghiệp, chủ đầu tư công bố công khai thông tin về dự án. Cùng với đó, phải lập tiến độ, chuẩn bị nguồn lực tài chính, áp dụng công nghệ mới, rút ngắn thời gian thi công dự án.

Với chính quyền địa phương, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu sớm quy hoạch nhà ở xã hội, chọn nhà đầu tư, duyệt đối tượng mua, giá bán. "Các thủ tục này phải làm nhanh, thuận lợi", Thủ tướng nói.

Theo báo cáo của các địa phương, cả nước hiện có hơn 500 dự án nhà ở xã hội đã triển khai với quy mô 418.200 căn. Con số này tăng thêm 4 dự án, tương ứng 6.950 căn so với giữa tháng 3.

Theo Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, người dân có nhu cầu mua có thể tra cứu thông tin các dự án chuẩn bị mở bán tại cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng hoặc qua sàn giao dịch bất động sản của chủ đầu tư...

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quy định và công bố công khai các tiêu chuẩn, đối tượng và điều kiện được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn.

Tuy vậy, người dân có nhu cầu mua và đăng ký mua nhà ở xã hội nhiều lần phản ánh khó tiếp cận thông tin các dự án này.

TP.HCM và Bắc Ninh dẫn đầu xuất khẩu cả nước

Năm 2023, có 9 tỉnh, thành phố ghi nhận kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, trong đó, TP.HCM là địa phương dẫn đầu với hơn 42 tỷ USD, Bắc Ninh xếp thứ 2 với hơn 39 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt hơn 354 tỷ USD, giảm gần 5% so với năm 2022

Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt hơn 354 tỷ USD, giảm gần 5% so với năm 2022

Theo Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 vừa được công bố, trong 63 tỉnh/thành của cả nước, có 9 địa phương đạt tổng kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Trong đó, TP.HCM đứng đầu danh sách với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 42 tỷ USD. Bắc Ninh xếp thứ 2 với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 hơn 39 tỷ USD. Bình Dương xếp thứ 3 danh sách này với kim ngạch đạt gần 31 tỷ USD. Tiếp đến là Hải Phòng với kim ngạch đạt gần 27 tỷ USD và Thái Nguyên xếp vị trí thứ 5 với kim ngạch đạt gần 26 tỷ USD.

Ngoài nhóm 5 địa phương kể trên, Bắc Giang (hơn 24 tỷ USD), Đồng Nai (gần 22 tỷ USD), Hà Nội (gần 17 tỷ USD) và Phú Thọ (hơn 10 tỷ USD) là những địa phương đạt tổng kim ngạch xuất khẩu cao năm vừa qua.

Đáng chú ý, so với năm 2022, số lượng địa phương có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD giảm 1 địa phương là Hải Dương. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh này chỉ đạt 9,4 tỷ USD, giảm so với mức gần 10,5 tỷ USD năm 2022.

Ngoài ra, trong 9 địa phương có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD năm ngoái, chỉ có Hải Phòng và Bắc Giang ghi nhận giá trị xuất khẩu tăng trưởng dương. Trong đó, Hải Phòng ghi nhận tăng hơn 7%, tương ứng kim ngạch tăng ròng 1,8 tỷ USD. Kết quả này đã giúp Hải Phòng vượt Thái Nguyên để vươn lên vị trí thứ 4 về xuất khẩu của cả nước.

Cũng theo Báo cáo, 5 địa phương có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất cả nước năm qua lần lượt là Lai Châu với kim ngạch đạt gần 13 triệu USD; Điện Biên đạt hơn 22 triệu USD; Sơn La với hơn 25 triệu USD; Bắc Kạn hơn 37 triệu USD; Ninh Thuận hơn 62 triệu USD...

Theo số liệu sơ bộ, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt gần 355 tỷ USD năm vừa qua, giảm gần 5% so với năm 2022, nhập khẩu đạt hơn 326 tỷ USD, giảm hơn 9%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 ghi nhận xuất siêu hơn 28 tỷ USD.

Bãi đỗ xe giữa trung tâm Đà Nẵng ế khách

Đưa vào hoạt động 2 tháng nay, bãi đỗ xe số 166 Hải Phòng (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) chỉ khai thác được 5% công suất, nguyên nhân chính là giá trông giữ cao.

Bãi đỗ xe thông minh tại 166 Hải Phòng (TP. Đà Nẵng) chỉ khai thác được 5% công suất

Bãi đỗ xe thông minh tại 166 Hải Phòng (TP. Đà Nẵng) chỉ khai thác được 5% công suất

Bãi đỗ xe thông minh số 166 Hải Phòng (giai đoạn 1) gồm 5 block 6 tầng, với 173 vị trí đỗ cho xe từ 7 chỗ trở xuống, vận hành theo hệ thống xếp hình. Dự án được đầu tư hơn 76 tỷ đồng trên diện tích 5.200 m2, đưa vào vận hành thử nghiệm từ tháng 3.

Mặc dù nằm giữa trung tâm Thành phố, gần Bệnh viện Đà Nẵng, ga đường sắt, bãi đỗ xe luôn trong tình trạng ế khách. Trong khi tại các tuyến đường xung quanh như Đống Đa, Ông Ích Khiêm, Hải Phòng..., ô tô đậu đỗ tràn lan trên lòng đường.

Tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí, ông Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng thừa nhận, bãi đỗ xe thông minh ế khách. Hiện tỷ lệ lấp đầy tại bãi đỗ 166 Hải Phòng chỉ đạt 5% so với công suất.

Theo ông Nghĩa, nguyên nhân chính là cách tính giá cước và việc áp dụng công nghệ vào tính giá cước bãi đỗ xe thông minh cao so với bãi đỗ khác. Trước đây bãi đỗ 166 Hải Phòng còn là bãi tạm, giá trông giữ tính theo Quyết định số 25 ngày 4/8/2017 của UBND Thành phố, từ 6h giờ đến 22h là 20.000 đồng/xe, 650.000 đồng/xe/tháng.

Sau khi làm bãi đỗ xe thông minh, giá trông giữ giờ thứ nhất và thứ hai là 15.000 đồng/xe, giờ thứ 3 - 4 giá 20.000 đồng/xe, từ giờ thứ 5 trở đi 25.000 đồng, giữ qua đêm là 120.000 đồng. Giá tính theo tháng từ 7h đến 22h là 1,5 triệu đồng/xe; từ sau 22h đến 7h sáng hôm sau 1 triệu đồng/xe; cả ngày và đêm 2 triệu đồng/xe.

"Nhiều người gửi xe cả tuần nhưng vẫn bị tính đơn giá của một giờ, nhân với 24 giờ rồi nhân với số ngày thì số tiền rất lớn", ông Nghĩa nói thêm.

Dự kiến trong tháng 6, Ban Quản lý dự án các công trình giao thông Thành phố sẽ bàn giao bãi đỗ xe cho Sở Giao thông vận tải quản lý và vận hành. Ông Nghĩa cho biết, giải pháp chính để tăng lượng xe là phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài chính đề xuất UBND TP. Đà Nẵng điều chỉnh giá dịch vụ trông giữ xe cho phù hợp, quy định theo 3 mức giá theo tháng, giờ và ngày.

Bãi đỗ xe 166 Hải Phòng là bãi đỗ xe thông minh thứ hai ở Đà Nẵng, sau bãi số 255 Phan Châu Trinh (khai thác từ tháng 10/2019).

Đề xuất chi 350 tỷ đồng tăng năng lực giao thông TP.HCM

Dự án Tăng cường năng lực khai thác, đảm bảo an toàn giao thông Thành phố do Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM làm chủ đầu tư, thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2026.

Dự án Tăng cường năng lực khai thác, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP.HCM được thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2026

Dự án Tăng cường năng lực khai thác, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP.HCM được thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2026

UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Hội đồng Nhân dân Thành phố về quyết định chủ trương đầu tư Dự án Tăng cường năng lực khai thác, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố. Theo tờ trình, dự án này thuộc nhóm B, có tổng mức đầu tư là 350 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.

Dự án sẽ cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 50 đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến Đường số 10; cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 15 đoạn từ đường Nguyễn Văn Khạ đến văn phòng ấp Bến Cỏ và đoạn từ cầu Rạch Sơn đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi (bao gồm cải tạo, mở rộng cầu Rạch Sơn); cải tạo, nâng cấp đường chui dưới dạ cầu Phú Hữu phía vòng xoay Liên Phường, TP. Thủ Đức.

Dự án cũng xây mới đường gom cầu Kênh Tẻ (phía Quận 7); xây dựng 2 cầu bộ hành trên Quốc lộ 1K (gần Trường THCS Xuân Trường, TP. Thủ Đức) và trên đường Tỉnh lộ 15 (trước Trường THPT Trung Phú, huyện Củ Chi); lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại 76 giao lộ trên địa bàn Thành phố.

Theo UBND TP.HCM, trên địa bàn có một số tuyến đường mặt cắt ngang nhỏ, mặt đường thường xuyên ngập nước, chưa có các công trình tiện ích trên tuyến; hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao chưa hoàn chỉnh, là điểm đen tai nạn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, tai nạn giao thông đối với người dân.

Thông qua dự án này, Thành phố sẽ nâng cao năng lực khai thác tại các tuyến đường thường xuyên gây ùn tắc giao thông, điểm đen tai nạn giao thông…

Bộ Công Thương đấu giá 20 ô tô Camry, Mercedes giá từ 46 triệu đồng

Lô tài sản thanh lý của Bộ Công Thương bao gồm 20 chiếc xe Toyota Camry, Mitsubishi Pajero, Hyundai Country, Mercedes Benz... với giá khởi điểm 46 - 89 triệu đồng.

Loạt ô tô được Bộ Công Thương mang ra đấu giá có tổng giá khởi điểm gần 1,4 tỷ đồng

Loạt ô tô được Bộ Công Thương mang ra đấu giá có tổng giá khởi điểm gần 1,4 tỷ đồng

Công ty đấu giá vừa thông báo bán đấu giá 20 chiếc ô tô đã qua sử dụng thuộc sở hữu của Văn phòng Bộ Công Thương. Giá khởi điểm của lô tài sản này gần 1,4 tỷ đồng và sẽ đấu giá từng xe theo hình thức trực tuyến.

Cụ thể, tài sản đấu giá bao gồm 17 ô tô loại 5 - 8 chỗ nhãn hiệu Toyota Camry, Mitsubishi Pajero, Ford Laser, Mitsubishi Jolie, Ford Everest, Toyota Zace, Toyota Inova sản xuất từ năm 2000 đến 2005; 3 ô tô khách loại 16 - 29 chỗ nhãn hiệu Toyota Hiace, Hyundai Country, Mercedes Benz sản xuất từ năm 2003 đến 2005.

Theo danh sách, số xe trên đã sử dụng trong khoảng thời gian 14 - 22 năm và chạy được 124.000 - 384.000 km. Bộ Công Thương cho biết, 20 chiếc xe có nguyên giá từ 400 triệu đồng đến 940 triệu đồng.

Giá khởi điểm của từng chiếc tại lần đấu giá này chỉ từ 46 đến 89 triệu đồng. Mức giá thấp nhất là chiếc Toyota Hiace đăng kí năm 2004 có 15 chỗ ngồi giá từ 46 triệu đồng. Buổi đấu giá dự kiến diễn ra sáng 3/6.

Thời gian gần đây, nhiều tài sản là ô tô của cơ quan công quyền và doanh nghiệp nhà nước được đưa ra đấu giá với mức khởi điểm chỉ từ vài chục triệu đồng.

TP.HCM sẽ hoàn tất pháp lý cho 35.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, sẽ tập trung hoàn tất thủ tục pháp lý cho 37 dự án nhà ở xã hội, quy mô khoảng 35.000 căn để chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Từ năm 2021 đến quý I/2024, TP.HCM đã hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng 3 dự án nhà ở xã hội

Từ năm 2021 đến quý I/2024, TP.HCM đã hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng 3 dự án nhà ở xã hội

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản báo cáo về hoạt động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản và tình hình triển khai thực hiện, xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn.

Cụ thể, theo kết quả thực hiện từ năm 2021 đến quý I/2024, TP.HCM đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 3 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất gần 20.000 m2, quy mô 865 căn hộ.

Bên cạnh đó, hiện có 6 dự án đang thi công với quy mô 4.754 căn hộ, tổng diện tích sàn 378.551 m2.

Sở Xây dựng TP.HCM đang triển khai các chương trình, công trình thi đua tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Trong đó, Sở Xây dựng sẽ tập trung hoàn tất thủ tục pháp lý cho 37 dự án nhà ở xã hội (bao gồm các dự án đang thi công), với quy mô khoảng 35.000 căn, đảm bảo các điều kiện để triển khai thi công xây dựng.

Hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM đang gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến 5 nhóm vấn đề lớn về công tác chấp thuận chủ trương đầu tư, công tác quy hoạch, tài chính, công tác đấu thầu và các dự án đầu tư công.

Để tháo gỡ, UBND Thành phố đã chủ trì 10 cuộc họp trong năm 2023 và 5 cuộc họp trong năm nay về chuyên đề nhà ở xã hội, qua đó đã có các thông báo kết luận chỉ đạo và giao trách nhiệm cho các sở, ban, ngành tổ chức thực hiện.

TP.HCM cũng đã xem xét từng vướng mắc trong các dự án cụ thể và chỉ đạo hướng tháo gỡ trong thực hiện các thủ tục đầu tư với 54 lượt giải quyết cho 21 dự án.

Đồng thời, UBND Thành phố đã ban hành trình tự thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn, cũng như ban hành quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong thực hiện các dự án có sử dụng đất trên địa bàn.

Thêm nhà máy điện gió ở Quảng Trị xin bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài

Ngày 18/5, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị xác nhận, đang xem xét việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp vào Công ty CP Điện gió Hướng Linh 3 - chủ đầu tư Dự án Nhà máy Điện gió Hướng Linh 3 (xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa).

Nhà điều hành của Dự án Nhà máy Điện gió Hướng Linh 3

Nhà điều hành của Dự án Nhà máy Điện gió Hướng Linh 3

Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị nhận được hồ sơ của Công ty CP Phát triển năng lượng sạch Hướng Linh về việc đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp vào Công ty CP Điện gió Hướng Linh 3.

Công ty CP Phát triển năng lượng sạch Hướng Linh là nhà đầu tư có cổ đông doanh nghiệp nước ngoài, quốc tịch Trung Quốc.

Theo hồ sơ, vốn góp của công ty nói trên là 255,6 tỷ đồng, chiếm 61,3% tổng vốn điều lệ của Công ty CP Điện gió Hướng Linh 3.

Để có cơ sở thẩm định, xem xét việc mua cổ phần nói trên, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị sẽ xin ý kiến của Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… và các đơn vị liên quan.

Được biết, Dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 3 có quy mô công suất 9 tổ máy - 30 MW, tổng mức đầu tư 1.118 tỷ đồng.

Tại tỉnh Quảng Trị, hiện có 31 dự án điện gió với tổng công suất 1.177,2 MW được cấp có thẩm quyền đưa vào quy hoạch phát triển điện lực và quy hoạch phát triển điện gió. Đến nay, đã có 20 dự án đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 742,2 MW; 1 dự án đã hoàn thành công tác thi công và đang hoàn thiện thủ tục vận hành; 10 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư với công suất 394 MW.

Trong đó, 5 dự án điện gió, gồm: Nhà máy Điện gió Gelex 1, 2, 3 (Công TNHH MTV Năng lượng Gelex Quảng Trị làm chủ đầu tư), Nhà máy Điện gió Hướng Phùng 2, Nhà máy Điện gió Hướng Phùng 3 (Công ty TNHH Điện gió Hướng Phùng làm chủ đầu tư) xin bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, và được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị xác nhận đủ điều kiện chuyển nhượng.

Riêng Dự án Điện gió AMACCAO Quảng Trị 1 do Công ty CP Điện gió Khe Sanh làm chủ đầu tư được cơ quan chức năng xác định chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng cổ phần cho công ty có trụ sở ở Bắc Kinh và Hong Kong (Trung Quốc).

TP.HCM khuyến mại trong 4,5 tháng để kích cầu

Trong nửa cuối năm, TP.HCM sẽ tổ chức 2 đợt khuyến mại tập trung mức 100% giá bán, với tổng thời gian là 4,5 tháng.

Người dân mua hàng tại một siêu thị ở TP.HCM

Người dân mua hàng tại một siêu thị ở TP.HCM

Theo kế hoạch tổ chức các đợt khuyến mại do UBND TP.HCM vừa ban hành, đợt 1 sẽ kéo dài 3 tháng, diễn ra từ ngày 15/6 đến ngày 15/9 nhằm kích cầu mua sắm hè.

Đợt 2 diễn ra trong 1,5 tháng cuối năm để trợ lực người dân sắm Tết, từ ngày 15/11 đến ngày 31/12. Trong cả 2 đợt này, thương nhân tham gia được phép áp dụng giảm giá tối đa lên đến 100%.

Theo quy định hiện hành, hạn mức khuyến mại chỉ được phép tối đa 50% và chỉ chương trình khuyến mại tập trung do cơ quan nhà nước cấp tỉnh tổ chức mới được áp dụng mức tối đa lên đến 100%. Quy định này nhằm đảm bảo tính cạnh tranh và không xảy ra tình trạng phá giá trên thị trường.

Đây là năm thứ 4 liên tiếp TP.HCM tổ chức chương trình khuyến mại tập trung và có đợt kéo dài đến 3 tháng thay vì 1 tháng như thông thường. Cách làm này được duy trì sau khi địa phương tổ chức thành công vào năm ngoái.

Ngoài ra, chương trình năm nay còn liên kết, hỗ trợ triển khai cùng các tỉnh, thành phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp.

Tổ chức khuyến mại tập trung với thời gian dài là một trong các đề xuất chính thời gian gần đây của các sở ngành liên quan như Sở Công Thương, Cục Thống kê, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM nhằm củng cố ngành dịch vụ, một trong các trụ cột tăng trưởng chính của đầu tàu kinh tế trong bối cảnh xuất khẩu còn khó lường, thu hút đầu tư chậm lại và môi trường kinh doanh chưa thuận lợi.

Trong 4 tháng đầu năm, Cục Thống kê TP.HCM đánh giá "sức mua của thị trường trong nước vẫn duy trì nhưng thấp hơn mức tiềm năng". Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 12% so với cùng kỳ 2023, nhưng quy mô chỉ tương đương cùng kỳ năm 2022.

Chuyên đề