Năm 2017, Bắc Giang tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện 2.755 gói thầu thuộc các dự án đầu tư, dự toán mua sắm sử dụng vốn nhà nước. Ảnh: Hoài Tâm |
Hạn chế về nguồn nhân lực
Năm 2017, tỉnh Bắc Giang tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện 2.755 gói thầu thuộc các dự án đầu tư, dự toán mua sắm sử dụng vốn nhà nước, với tổng giá trị gói thầu là hơn 4.100 tỷ đồng, tổng giá trị trúng thầu là hơn 3.800 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm chung qua đấu thầu khoảng 7%. Trong đó, 2.510 gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu; chỉ có 352 gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi.
Nhìn chung, công tác đấu thầu trên địa bàn Bắc Giang diễn ra tương đối thuận lợi, phần lớn gói thầu không xảy ra kiến nghị. Tuy nhiên, trong Báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2017 trên địa bàn vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Sở KH&ĐT Bắc Giang đã chỉ ra một số hạn chế, nổi bật là vấn đề năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu.
Báo cáo nêu rõ: “Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác đấu thầu tại một số đơn vị, chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã còn nhiều hạn chế dẫn đến việc triển khai thực hiện đấu thầu chậm tiến độ, làm phát sinh chi phí trong quá trình thực hiện gói thầu, chất lượng công trình và hàng hóa ở một số gói thầu còn chưa cao”. Và cũng chính bởi hạn chế này mà khi có sự phân cấp mạnh, một số chủ đầu tư không đủ năng lực đã gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình lựa chọn nhà thầu, thậm chí làm giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong đấu thầu. Một số hồ sơ mời thầu có quy định chưa phù hợp với thiết kế của gói thầu gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, thương thảo và ký kết hợp đồng.
Về năng lực của đội ngũ chuyên gia về đấu thầu, Báo cáo chỉ ra, ở một số gói thầu, việc đánh giá hồ sơ dự thầu của tổ chuyên gia đấu thầu còn qua loa, chưa đi sâu làm rõ năng lực thực tế của nhà thầu nên có tình trạng nhà thầu yếu kém về năng lực, kinh nghiệm mà vẫn được lựa chọn để thực hiện gói thầu, dẫn đến chất lượng công trình còn hạn chế và tiến độ thực hiện chậm.
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng cho biết, vì năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu còn hạn chế nên việc quản lý và thực hiện hợp đồng sau đấu thầu của một số gói thầu trên địa bàn chưa tuân thủ các quy định của hồ sơ mời thầu; cam kết của nhà thầu trong hồ sơ dự thầu và hợp đồng ký kết chưa tuân thủ nghiêm chỉnh.
Với đấu thầu qua mạng, việc tổ chức đấu thầu qua mạng ở một số đơn vị chưa được quan tâm thực hiện, tâm lý nhiều chủ đầu tư chưa thực sự sẵn sàng thực hiện đấu thầu qua mạng.
Xử lý vi phạm 10 đơn vị
Trong năm 2017, Sở KH&ĐT Bắc Giang đã tổ chức 13 cuộc thanh, kiểm tra đấu thầu tại 36 chủ đầu tư và 36 dự án với tổng số 213 gói thầu. Qua kiểm tra đã phát hiện một số sai sót trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Đơn cử như một số chủ đầu tư triển khai công tác lựa chọn nhà thầu chậm hơn so với thời gian trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt; trong khâu lập và phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu còn để xảy ra tình trạng có các quy định chưa phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu và quy định của pháp luật. Một số đơn vị chưa chấp hành nghiêm túc việc cung cấp thông tin đăng tải trên Báo Đấu thầu hoặc tự đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia…
Từ những hạn chế, tồn tại đó, cơ quan thanh, kiểm tra đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính 10 đơn vị và kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan. Đồng thời, cơ quan thanh, kiểm tra kết hợp tổ chức hướng dẫn các chủ đầu tư tìm cách khắc phục những tồn tại trong công tác đấu thầu nhằm đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Trong số 10 đơn vị vi phạm nêu trên, Công ty TNHH Xây dựng thương mại và Dịch vụ Nam Thắng và Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư xây dựng Phương Đông bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong thời gian 3 năm (từ tháng 8/2017 đến tháng 8/2020) vì có hành vi thông thầu.
Với mục đích nâng cao hơn nữa công tác đấu thầu trên địa bàn trong thời gian tới, nhất là năm 2018, Sở KH&ĐT Bắc Giang kiến nghị các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện tổ chức phổ biến, hướng dẫn áp dụng quy định của pháp luật về đấu thầu, nhất là các văn bản mới; bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu trên địa bàn, nhất là cấp huyện, xã…