Việc quản lý thuế đối với nhà cung cấp dịch vụ kết nối trong kinh tế chia sẻ không đơn giản, bởi chưa phân định rõ ngành nghề kinh doanh. Ảnh: Hoài Tâm |
Tuy nhiên, mô hình kinh doanh mới này cũng làm nảy sinh một số thách thức, trong đó có vấn đề quản lý thuế sao cho vừa công bằng, vừa hiệu quả, lại thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, KTCS ở Việt Nam phát triển chưa mạnh như ở nhiều nước trên thế giới, nhưng tiềm năng phát triển rất lớn. Thực tế, một số loại hình KTCS đã xuất hiện như: dịch vụ vận tải trực tuyến (Uber, Grab…), dịch vụ chia sẻ phòng… Trong mô hình kinh tế này, các công ty khởi nghiệp ứng dụng công nghệ sẽ làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng/nhà cung cấp; cạnh tranh với DN kinh doanh truyền thống; giao dịch xuyên biên giới và sáng tạo không giới hạn. Tuy nhiên, tình trạng chưa có một quy định chung đối với quản lý nhà nước về KTCS là thách thức lớn trong quản lý loại hình kinh doanh này.
Ở góc độ quản lý thuế, bà Hoàng Thị Lan Anh - Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Cải cách và Hiện đại hóa thuộc Tổng cục Thuế cho biết, về cơ bản, KTCS có 3 chủ thể tham gia trực tiếp là người cung cấp, người tiêu dùng và người cung cấp nền tảng kết nối; và gián tiếp là ngân hàng/tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán, cơ quan quản lý các bên có liên quan. Ngành nghề tham gia KTCS chủ yếu là thực phẩm, tài chính, vận tải, du lịch/khách sạn, việc làm, giáo dục… Cơ chế hoạt động của dịch vụ đều làm việc trên môi trường mạng, do đó bị điều chỉnh bởi các quy định pháp luật về thông tin, thương mại điện tử (Luật Thương mại; Luật Giao dịch điện tử; Luật Công nghệ thông tin… và các văn bản hướng dẫn thi hành).
“Về cơ bản, quy định pháp lý về thuế đối với bên cung cấp dịch vụ kết nối không thiếu, nhưng về phạm vi quản lý thuế đối với từng hoạt động dịch vụ trong mô hình KTCS có khác với quản lý thuế trong mô hình kinh doanh truyền thống. Mô hình KTCS có nảy sinh vấn đề quyền đánh thuế đối với các giao dịch xuyên biên giới. Đây là một trong những thách thức đặt ra đối với ngành thuế”, bà Lan Anh cho biết.
Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, bà Lan Anh cho rằng, quản lý thuế đối với KTCS cũng cần tư duy theo hướng mở đối với các nhà cung cấp dịch vụ kết nối. Đó là, quản lý đảm bảo các nhà cung cấp đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo ngành nghề đã được pháp luật quy định mới được tham gia; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng; quản lý thuế cần coi đây là ngành nghề dịch vụ mới, nghĩa vụ thuế như nhau với các dịch vụ giống nhau… Còn các tổ chức/cá nhân cung cấp dịch vụ tự chịu trách nhiệm về kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế nếu có các nguồn thu nhập khác nhau cũng như nghĩa vụ bảo hiểm xã hội và các chế độ khác. Trên cơ sở đó bổ sung hoặc điều chỉnh các cơ sở pháp lý về quản lý thuế đối với hoạt động này…
Về vấn đề này, Ủy ban Châu Âu cho rằng, việc định danh chính xác các loại hình kinh doanh trong KTCS là yếu tố tiên quyết nếu muốn có khung pháp lý rõ ràng và thu được thuế.