Tạo địa vị pháp lý cho tổ hợp tác phát triển

(BĐT) - Nhằm tạo khung pháp lý thuận lợi tối đa cho tổ hợp tác (THT) thành lập, hoạt động và phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa tổ chức Hội thảo tham vấn Nghị định về THT để lấy ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia, sớm hoàn thiện Dự thảo Nghị định.
Khu vực tổ hợp tác thu hút khoảng 1,2 triệu thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 1 triệu lao động. Ảnh: Huyền Trang
Khu vực tổ hợp tác thu hút khoảng 1,2 triệu thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 1 triệu lao động. Ảnh: Huyền Trang

Mở đường sản xuất hàng hóa quy mô lớn

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã (Bộ KH&ĐT) cho biết, cả nước có khoảng 98.600 THT, trong đó có 36.104 THT có chứng thực. Khu vực THT thu hút khoảng 1,2 triệu thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 1 triệu lao động, là tổ chức trung gian, kết nối giữa các hộ gia đình, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Trong bối cảnh hiện nay, đa số hộ sản xuất kinh doanh ở nước ta có quy mô nhỏ, kém phát triển, lại phải đối mặt với khó khăn, cạnh tranh gay gắt nên việc liên kết, hỗ trợ phát triển sản xuất giữa các thành viên trong THT rất quan trọng, tạo đà cho phát triển hàng hóa quy mô lớn, tăng vị thế kinh tế, năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hình thức hợp tác giản đơn giữa các nhà sản xuất nhỏ như THT đặc biệt thích hợp với trình độ phát triển hiện nay ở Việt Nam. Mô hình THT một mặt đáp ứng được nguyện vọng của nông dân, khắc phục được khó khăn cho các hộ nông dân riêng lẻ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho từng thành viên, mặt khác giúp các hộ sử dụng đất đai, lao động, vật tư và tiền vốn hiệu quả hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giá trị bản địa và môi trường bền vững thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, việc thúc đẩy phát triển THT, đặc biệt là THT ở các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số là hết sức quan trọng, bởi vì THT có thể hoạt động trong nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, liên kết thị trường. Chính vì thế, nếu phát huy được, THT sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội. 

Xây dựng khung pháp lý thuận lợi tối đa

Mô hình THT một mặt khắc phục được khó khăn cho các hộ nông dân riêng lẻ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho từng thành viên, mặt khác giúp các hộ sử dụng đất đai, lao động, vật tư và tiền vốn hiệu quả hơn.
Ban soạn thảo cho biết, để xây dựng Nghị định về THT, Bộ KH&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đánh giá tác động của chính sách về THT, nhiều lần gửi công văn lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam… Trên cơ sở tiếp thu toàn diện các ý kiến góp ý, Bộ KH&ĐT đã nghiên cứu và chỉnh sửa Dự thảo Nghị định về THT, gửi Bộ Tư pháp thẩm định và giải trình một số ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

Dự thảo Nghị định về THT hiện gồm 8 chương, 37 điều, điều chỉnh các vấn đề cơ bản của THT như: Thành viên, thành lập THT, tổ chức và điều hành THT, tài sản/tài chính, chấm dứt hoạt động của THT, quản lý nhà nước đối với THT…

Theo Bộ KH&ĐT, sau khi Nghị định về THT được ban hành sẽ điều chỉnh quy định về THT cho phù hợp với những thay đổi trong Bộ luật Dân sự 2015; đồng thời khắc phục những hạn chế về khung pháp luật hiện hành đối với việc thành lập và hoạt động của THT (phân tán ở Bộ luật Dân sự 2005, Nghị định 151/2007/NĐ-CP, Thông tư 04/2008/TT-BKH).

Bên cạnh đó, Nghị định về THT sẽ tạo khung pháp lý thuận lợi tối đa cho THT thành lập, hoạt động và phát triển, cũng như bảo đảm quyền, nghĩa vụ của THT, thành viên THT cũng như các bên thứ ba tham gia vào hợp đồng dân sự với THT. Nghị định về THT cũng được kỳ vọng sẽ tạo địa vị pháp lý rõ ràng, minh bạch giúp các THT khẳng định được địa vị và uy tín đối với thành viên hợp tác, đối với các đối tác; giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm được tình hình phát triển của THT, qua đó tăng cường công tác quản lý và hỗ trợ hoạt động của THT.

Chuyên đề