Hình ảnh chú lợn với vòng tròn âm dương xuất hiện không chỉ trong tranh dân gian Đông Hồ xưa, mà còn trong tác phẩm của các họa sỹ thời nay |
Tín hiệu âm dương thường xuất hiện trên nhiều mặt của đời sống văn hóa, cụ thể trong phong tục, tín ngưỡng… người Việt. Tuy nhiên, việc các nghệ sỹ dân gian xưa kia và không ít họa sỹ ngày nay trân trọng vẽ hình tròn âm dương lên thân chú lợn là điều lý thú cần luận giải.
Tranh Đông Hồ thuộc dòng tranh in từ ván khắc gỗ, do người dân làng Đông Hồ (Bắc Ninh) sáng tạo và phát triển thành một nghề truyền thống từ hơn 400 năm trước. Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, thông qua những gam màu tươi sáng, bố cục chặt chẽ với lối miêu tả chân thực, dòng tranh Đông Hồ đã thể hiện sinh động muôn vàn trạng thái cuộc sống, từ sự hoan hỉ trong Đám cưới chuột, cái ngây thơ của Cậu bé ôm gà… đến sự nhàn nhã, yên bình của những chú lợn béo, có đọn lông xoáy và vòng tròn âm - dương đặc sắc trên thân.
Theo một số học thuyết phương Đông, âm dương chính là bản thể tiếp dẫn ra ngũ hành (5 trạng thái cơ bản của vật chất: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ); để từ đó nảy sinh ra vạn trạng, muôn loài. Lý luận cơ bản, ngắn gọn nhưng rất uyên thâm đó thường được các nhà lý học vận dụng để giải thích cho mọi biến hóa, phát triển của sự việc, hiện tượng trong đời sống sinh hoạt, tinh thần của con người… đều do sự kết nối, đối lập chuyển hóa của âm dương mà thành.
Triết gia nổi tiếng Lão Tử đã luận: “Cô dương thì bất sinh, cô âm thì bất trưởng”, được giải thích như sau: âm dương là gốc của vạn vật, là đạo lý của khởi nguyên và xuyên suốt cho tới cuối cùng. Phàm là sự vật đều có hai mặt đối lập mâu thuẫn, nhưng cũng tương hỗ và nương tựa nhau mà duy trì. Nếu chỉ có trời hoặc đất thì vạn vật chẳng thể sinh sôi, con người chẳng thể tồn tại. Ông cũng nhấn mạnh: “Trong vạn vật, không có vật nào mà không cõng âm bồng dương”.
Âm là những thứ tĩnh lặng, mờ tối, bất động, hướng xuống; là đất, nữ, bóng đêm… Dương là những sự chuyển động, thay đổi, hướng lên…, là mặt trời, đàn ông, ban ngày. Có âm thì tất phải có dương, như vậy mới có thể hòa hợp, đủ đầy. Một nguyên lý quan trọng của âm dương là tính đối lập, chế ước nhau, nhưng còn bao hàm cả ý nghĩa nguồn gốc ở nhau mà ra, do vậy có hỗ trợ, bổ khuyết mà tồn tại. Trong âm có mầm mống của dương, trong dương lại có mầm mống của âm, như hình tròn âm dương có những phần lấn lướt sang nhau và 2 nét chấm nhỏ ở mỗi bên là vậy.
Nhà văn, nhà nghiên cứu Kinh Dịch Xuân Cang cũng cảm thán: “Có một thế giới âm dương hòa nhập trong vũ trụ, trong cuộc sống nhân loại, cơ thể con người, trong mọi vật trước mắt ta. Đôi đũa ta cầm một chiếc là âm, một chiếc là dương. Thức ăn ta ăn có thứ là âm, có thứ là dương; âm dương hòa hợp…”.
Tuy vậy, bên cạnh sự quân bình âm - dương, trong nhiều giai đoạn lịch sử của người Việt, thuộc tính âm lại thường được đề cao. Đó chính là nền văn minh lúa nước, tục thờ Mẫu, tín ngưỡng phồn thực; đề cao vai trò của đức tính thầm lặng, kiên trì, bền bỉ, vai trò của xóm, làng, của người nữ trong tổ chức gia đình xã hội. Điển hình, chính hình ảnh chú lợn độc, lợn mẹ con béo đẫy đà “mõm gầu giai, tai lá mít, đít lồng bàn” cõng vòng tròn âm dương trong nhiều tác phẩm hội họa đã cho thấy tư duy đề cao tính âm của dân gian rất rõ nét.
Họa sỹ Lê Trí Dũng, một người thành danh bởi tài năng đưa con giáp Ngọ “vượt trời cưỡi gió” trong các sáng tác của mình, hiện cũng rất thành công qua nét vẽ độc đáo về những chú lợn, cho biết: “Giống lợn ỉ có gốc từ một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, với đặc điểm mõm và chân ngắn, lưng võng bụng phệ… chính là nguyên mẫu khởi hứng để nghệ nhân xưa tạo ra các tác phẩm tranh lợn Đông Hồ”. Ông giải thích thêm, giống lợn ỉ được người chăn nuôi xưa rất chuộng bởi tính phàm ăn, miễn kháng với nhiều loại bệnh và rất mắn đẻ… Đây cũng là một trong những vật nuôi chính của nhà nông.
Về âm dương hòa nhập, từ sự tìm hiểu đặc điểm hoạt động của mặt trời, mặt trăng, người xưa đã quy nạp 10 thiên can ứng với trời - dương, 12 địa chi ứng với đất - âm và đưa chúng về âm dương ngũ hành…, từ đó tìm ra quy luật tốt nhất của thời gian áp dụng vào mọi việc quan trọng.
Trong 10 thiên can, có 5 thiên can dương, 5 thiên can âm và 12 địa chi cũng chia ra: 6 địa chi dương (Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất) - 6 địa chi âm (Sửu, Mão, Tị, Mùi, Dậu, Hợi). Địa chi Hợi chính là hình ảnh chú lợn, đứng sau cùng trong 12 chu kỳ thời gian.
Một thư tịch cổ đã chú giải, 12 địa chi liên quan với sự tiêu, trưởng âm dương của mặt trăng. Chu kỳ tuần hoàn của mặt trăng cũng có sự ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh sản của vạn vật. Sách giải nghĩa, địa chi Hợi là hạt, chỉ vạn vận được thu tàng trở thành mầm, hạt.
Theo cách tính giờ âm lịch, Hợi là khung giờ từ 21 - 23h, nhóm thời gian này cũng được hiểu là vận trình tận cùng của âm, là giai đoạn bế tàng hoạt động. Lợn với tính bất động, nhàn nhã nổi trội nhất trong nhiều loại động vật, không phải vô tình được người xưa chọn xếp cuối cùng trong 12 địa chi, nhằm tương hợp với quy luật đất trời là vậy.
Thêm nữa, Hợi được quy về hành Thủy thuộc âm. Vậy vòng tròn âm dương được thể hiện trên bản tính âm, có lẽ rất phù hợp với tinh thần văn hóa Việt ở một giai đoạn nhất định. Đặc biệt, Hợi ở đây không phải chỉ bế tàng, mà nó vẫn như dòng nước xuyên suốt dù nhẹ nhàng, nhưng vẫn đủ mạnh mẽ để thẩm thấu qua tất cả, kiên định xuôi về một hướng. Điều đó, như ý chí và tinh thần người Việt, luôn sinh trưởng và phát triển một cách sáng tạo.
Góc luận giải trên đã minh chứng rằng, chỉ có thể dựa vào các nền tảng vững chắc, sâu sắc, không chỉ các nghệ nhân Đông Hồ ở những thế kỷ trước, mà ngay đến tận dòng chảy thời gian ngày nay, các họa sỹ hiện đại vẫn trân trọng lấy chú lợn, biểu tượng của sự nhàn nhã, sinh sôi nảy nở và sâu sắc hơn là khát vọng về ấm no, hạnh phúc, làm cơ sở thể hiện vòng tròn sinh trưởng bất diệt muôn đời.
Cũng có lẽ thấu hiểu sâu đậm triết lý phương Đông, nên trong những giây phút thi hứng, nhà thơ Hoàng Cầm đã phiêu diêu tâm hồn viết ra những vần thơ rất đẹp:
Màu dân tộc đó đã và đang góp phần cùng với nhiều sắc màu khác tô điểm cho không gian của mỗi gia đình người Việt thêm bừng sáng, nhất là dịp Xuân về.
Tiến sỹ lịch sử mỹ thuật, họa sỹ Trần Hậu Yên Thế:
“Trong nhiều nghi thức cúng tế ở các hội đình, bao giờ cũng có mâm xôi, thủ lợn; trong thành phần của hỗn hợp làm nên nhân chiếc bánh chưng ngày Tết cổ truyền cũng có khẩu thịt lợn… Qua một số yếu tố như vậy đủ thấy hình ảnh lợn đã góp phần không nhỏ vào tín ngưỡng thờ cúng của người Việt. Lợn, biểu tượng của sự phồn thực, giản dị, nhưng lại có trên thân hình tròn âm dương cũng cho thấy quan niệm, nguyên lý của cha ông xưa, đó là những gì dù trừu tượng, cao siêu đều bắt nguồn từ thực tế, từ cuộc sống sinh hoạt đơn giản thường ngày của con người”.
Nhà văn, nhà nghiên cứu Kinh Dịch Xuân Cang:
“Tôi đã nhiều lần ngắm và cảm phục vô cùng các nghệ nhân tài hoa Đông Hồ, những người đã tô điểm hình âm dương trên bức tranh vẽ lợn của mình. Con lợn là hình ảnh sự giàu có của phương Đông ta và của Việt Nam mình. Mọi sự giàu có chân thực, cũng như mọi ước muốn cao xa của con người đều bắt nguồn từ tri thức trời cho là các góc nhìn âm dương đã không chỉ tràn ngập trong ca dao, tục ngữ Việt, mà còn biến thành tài năng Đông Hồ”.